Tổ chức đối thoại trên cả nước trong 2 tháng là giải pháp được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra nhằm kết thúc phong trào “áo vàng” đang lan rộng khắp quốc gia châu Âu này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) trong một chuyến thị sát các tuyến phố ở Paris, nơi xảy ra các cuộc biểu tình bạo loạn của phong trào “áo vàng”. Ảnh: AFP |
Theo đó, các cuộc đối thoại về các chính sách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ diễn ra trên khắp các thành phố, thị trấn, làng mạc của nước Pháp từ ngày 15-1 đến 15-3 nhằm giải quyết 35 vấn đề về thuế, nền dân chủ, bảo vệ môi trường và di cư.
Trong “Thư gửi người dân Pháp” vào tối 13-1, ông Macron kêu gọi người dân tham gia thảo luận, tham vấn chính sách quốc gia trong bối cảnh các cuộc biểu tình của phong trào “áo vàng” đã trải qua 9 tuần, với những vụ bạo loạn trên đường phố, gây bất ổn sâu sắc trong đời sống xã hội nước Pháp. Song, việc đối thoại như thế không phải là cuộc bầu cử, cũng không phải là cuộc trưng cầu dân ý, chỉ đơn thuần là hai bên cùng trao đổi, tranh luận.
Hãng AFP cho biết, bức thư nói trên là thông điệp của Tổng thống Macron về mong muốn xây dựng “một giao ước mới cho đất nước”, trong lúc ông đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi tiếp quản Điện Élysée vào tháng 5-2017.
“Tôi muốn biến cơn giận dữ thành các giải pháp”, Tổng thống Macron viết. “Chúng ta sẽ không đồng thuận trong mọi vấn đề, đó là điều bình thường, đó là dân chủ. Nhưng ít nhất chúng ta sẽ thể hiện chúng ta không ngại nói, trao đổi và tranh luận”, bức thư nêu rõ.
Các cuộc đối thoại xoay quanh 4 chủ đề chính: thuế và chi tiêu công, tổ chức Nhà nước và cơ quan công quyền, chuyển đổi sinh thái, nền dân chủ và quyền công dân. Trong đó, chính sách thuế là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng”.
Tổng thống Macron cho rằng, mức thuế quá cao sẽ lấy đi các nguồn lực của nền kinh tế, làm mất quyền được hưởng thành quả lao động của người dân. Những người “áo vàng” chỉ trích các quyết định của chính phủ Macron về việc tăng thuế nhiên liệu.
Vì vậy, ông đã phải lùi bước, bãi bỏ kế hoạch tăng giá xăng dầu cho cả năm 2019. Không những thế, chính sách bãi bỏ “Thuế nhà giàu” (ISF) nhằm khuyến khích doanh nhân nước ngoài đến Pháp làm ăn cũng bị người dân xứ sở văn minh này phản đối.
Các đề xuất của người dân trong 2 tháng tới sẽ giúp cấu trúc lại hoạt động của chính phủ và Quốc hội, định hình lại vai trò của Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế. Tuy khẳng định không có “vùng cấm” trong các câu hỏi nhưng Tổng thống Macron cũng nói rõ rằng, sẽ không có nội dung ông từ chức được đặt ra.
Thông điệp của ông chủ Điện Élysée đón nhận những phản ứng khác nhau. Một số người hoan nghênh bức thư “đầy thiện chí” của ông, nhưng nhiều người hoài nghi giải pháp của chính phủ. Nhật báo Liberation bình luận, nỗ lực của nhà lãnh đạo Pháp sẽ “cứu 3 năm còn lại” trong nhiệm kỳ tổng thống.
Trong khi đó, thăm dò do hãng Odoxa-Dentsu thực hiện cho thấy, 32% số người được hỏi khẳng định họ sẽ tham gia các cuộc đối thoại, nhưng có đến 70% không tin giải pháp này sẽ mang lại sự thay đổi đáng kể.
Học giả Luc Rouban tại Viện Khoa học chính trị Cevipof ở thủ đô Paris cho rằng, các nhà khoa học chính trị cảnh báo, kết quả của việc tham vấn thông qua hình thức đối thoại như thế có thể không đại diện cho đông đảo người dân Pháp.
Một số nghị sĩ trong đảng của Tổng thống Macron cũng lo ngại, các cuộc tham vấn sẽ khơi mào cho hàng loạt yêu sách, các đòi hỏi mơ hồ, hoặc những lời kêu gọi bãi bỏ các quy định hiện hành. Nhiều bộ trưởng, nhất là Bộ trưởng Kinh tế cánh hữu Bruno Le Maire, thúc giục ông Macron dùng cuộc khủng hoảng làm cơ hội để giảm thuế và cắt giảm chi tiêu công.
Dập tắt phong trào “áo vàng” là thách thức lớn đối với Tổng thống Macron. Có một điều mà nhà lãnh đạo này chắc chắn phải thực hiện ngay: chấm dứt bạo lực trong các cuộc biểu tình. Con đường phía trước vẫn đầy chông gai đối với ông, nhất là khi các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, mà chủ nghĩa dân túy thì đang trỗi dậy quá mạnh mẽ.
THIÊN BÌNH