Chính phủ Nhật Bản công bố niên hiệu triều đại mới bắt đầu vào ngày 1-5 là Reiwa (Lệnh Hòa), chính thức khép lại triều đại Heisei (Bình Thành) kéo dài suốt 30 năm của Nhật hoàng Akihito, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử nước này.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản công bố niên hiệu triều đại mới. Ảnh: Nikkei Asia Review |
Niên hiệu mới được nội các thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5 khi con trai trưởng của Nhật hoàng Akihito, tức Thái tử Naruhito (59 tuổi), chính thức trở thành vị vua thứ 126 của đất nước mặt trời mọc.
Trang Nikkei Asian Review dẫn thông báo của Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết, niên hiệu mới có nguồn gốc từ “Manyoshu” (Vạn diệp tập) - tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản và được Thủ tướng Shinzo Abe ngợi ca là “quốc thư đặc trưng cho truyền thống lâu đời, văn hóa phong phú” của Nhật Bản. Niên hiệu mới gồm 2 ký tự: “Rei” - có thể có ý nghĩa liên quan tới “trật tự” hoặc “tốt lành”, trong khi “Wa” được hiểu là “hòa bình” hoặc “hòa thuận”. Đây là lần đầu tiên niên hiệu của Thiên hoàng được lấy từ văn học cổ điển Nhật Bản. Tên của các triều đại trước đều sử dụng chữ Hán lấy từ văn học cổ điển Trung Quốc.
Thủ tướng Abe lý giải, niên hiệu mới có ý nghĩa là “văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những trái tim tốt đẹp nương tựa lẫn nhau của con người”, đồng thời bày tỏ mong muốn niên hiệu mới “phản ánh một thời kỳ mới tràn đầy hy vọng”. Giới quan sát nhận định, cách lý giải của ông Abe nhằm kêu gọi người dân Nhật Bản tự hào về nguồn gốc và giá trị truyền thống của đất nước.
Theo kế hoạch, lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito bắt đầu từ 17 giờ ngày 30-4 (giờ địa phương). Khoảng 300 khách mời đến từ 195 quốc gia sẽ tham dự sự kiện. Đây là sự kiện lịch sử của Nhật Bản, trùng vào “tuần lễ vàng” của nước này, người dân sẽ được nghỉ 10 ngày liên tục.
Reiwa là triều đại thứ 248 trong lịch sử Nhật Bản. Hiện Nhật Bản vẫn giữ truyền thống quân chủ Á Đông là các vị vua chọn cho mình niên hiệu trong thời gian giữ ngôi để thể hiện ý chí, mục tiêu hoặc đánh dấu một sự kiện nào đó.
THƯ LÊ