Một thời kỳ mới ở ‘đất nước Mặt Trời mọc’
Nhật Hoàng Akihito (giữa), Hoàng hậu Michiko (phải) cùng các thành viên Hoàng gia tại lễ thoái vị trong Hoàng cung ở Tokyo ngày 30/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Chiều 30-4, Nhật hoàng Akihito đã chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Hoàng Thái tử Naruhito trong một buổi lễ được tổ chức long trọng ở Hoàng cung.
Đây là vị hoàng đế đầu tiên chủ động thoái vị trong hơn 200 năm qua ở Nhật Bản, qua đó khép lại thời kỳ Bình Thành (Heisei, còn gọi là đạt được hòa bình) để mở ra một giai đoạn mới với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa).
Trong bài phát biểu ngắn gọn tại lễ thoái vị được tổ chức ở Hoàng cung, Nhật hoàng Akihito nói: “Hôm nay, tôi đã kết thúc bổn phận của một vị Hoàng đế. Kể từ khi lên ngôi cách đây 30 năm, tôi đã thực hiện bổn phận của Hoàng đế với niềm tin và sự kính trọng dành cho người dân, và tôi tự thấy mình là người may mắn nhất để có thể làm được như vậy. Tôi xin chân thành cám ơn người dân, những người đã công nhận và ủng hộ tôi trong vai trò là biểu tượng của quốc gia.”
Một bài phát biểu ngắn gọn, súc tích song bao trọn cả một giai đoạn huy hoàng khi mọi phương diện và lĩnh vực của đất nước Mặt Trời mọc đều khởi sắc.
Nhìn lại 30 năm Nhật hoàng Akihito trị vì đất nước Nhật Bản, có thể thấy đây là thời kỳ mà người dân nước này được sống trong hòa bình và thịnh vượng, song cũng là thời kỳ Nhật Bản phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Nhật hoàng Akihito từng cho biết ngài thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi thời kỳ Bình Thành sắp kết thúc và Nhật Bản không phải trải qua bất cứ cuộc chiến tranh nào
Nhật hoàng Akihito từng cho biết ngài thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi thời kỳ Bình Thành sắp kết thúc và Nhật Bản không phải trải qua bất cứ cuộc chiến tranh nào
Sinh ngày 23-12-1933, Nhật hoàng Akihito là con trai cả của cố Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu Kojun. Sau khi vua cha băng hà, Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào tháng 1-1989 với niên hiệu Bình Thành. Kể từ đó đến nay, người dân Nhật Bản đã được sống trong hòa bình theo đúng như ý nghĩa của niên hiệu trong thời kỳ này, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Nhật Bản không can dự vào bất cứ cuộc chiến tranh nào.
Trong cuộc họp báo được tổ chức hồi cuối tháng 12-2018 nhân dịp sinh nhật cuối cùng trước khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito cho biết ngài thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi thời kỳ Bình Thành sắp kết thúc và Nhật Bản không phải trải qua bất cứ cuộc chiến tranh nào.
Nhật hoàng Akihito nhấn mạnh điều quan trọng là không được quên rằng có vô số người đã chết trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và rằng hòa bình và thịnh vượng của đất nước Nhật Bản trong thời hậu chiến được xây dựng trên cơ sở những hy sinh và nỗ lực không biết mệt mỏi của người dân.
Mặc dù không phải trải qua chiến tranh, nhưng trong thời kỳ Bình Thành, Nhật Bản đã phải chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên tai, đó là các vụ động đất, núi lửa phun trào các năm 1991, 1993, 1995...
Nhật Hoàng Akihito (phía trước) rời khỏi ngôi đền Hoàng gia Kashikodokoro sau một nghi lễ trong lễ thoái vị, tại Tokyo ngày 30-4-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đáng chú ý, trận động đất kinh hoàng xảy ra vào tháng 3-2011 với cường độ 9, mạnh nhất trong lịch sử nước này, đã kéo theo các đợt sóng thần khổng lồ tàn phá khu vực Đông Bắc, cướp đi sinh mạng của gần 15.900 người và gần 2.600 người mất tích, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Tuy nhiên, trải qua các thảm họa, người dân Nhật Bản lại thấy rõ hơn vai trò “biểu tượng quốc gia và biểu tượng của hòa hợp dân tộc” của Nhật hoàng.
Sau các thảm họa lớn, Nhật hoàng và Hoàng hậu luôn cố gắng có mặt nhanh nhất có thể tại các khu vực bị tàn phá để chia buồn với gia đình các nạn nhân, ân cần thăm hỏi và an ủi những người còn sống, động viên lực lượng cứu hộ. Điều này đã để lại những hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí của người dân, qua đó giúp Hoàng gia trở nên thân thiện và gần gũi hơn với công chúng.
Các cô gái giới thiệu tên niên hiệu mới của Nhật Bản trên màn hình điện thoại ở Osaka ngày 1-4. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) |
Không chỉ có các thảm họa, Bình Thành cũng đánh dấu một thời kỳ khó khăn đối với nền kinh tế Nhật Bản sau một thời gian dài liên tục tăng trưởng nóng. Năm 1989, Mitsubishi Estate Co. đã thực hiện thương vụ thâu tóm Trung tâm Rockefeller ở New York (Mỹ).
Thương vụ này là biểu tượng cho làn sóng các công ty Nhật Bản mua lại các tài sản ở nước ngoài. Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm 1989, chỉ số Nikkei đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, giai đoạn tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Nhật Bản đã kết thúc khi “quả bong bóng” tăng trưởng phát nổ, dẫn tới giai đoạn mà nhiều người thường gọi là “hai thập kỷ mất mát” của nền kinh tế Nhật Bản.
Sau hàng loạt các cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào trạng thái trì trệ và để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào tay Trung Quốc từ năm 2010 sau 42 năm liên tiếp nắm giữ vị trí này.
Hiện tại, “xứ sở hoa anh đào” phải đối mặt với rất nhiều thách thức như tỷ lệ nợ công/GDP đang đứng ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, thâm hụt thương mại kéo dài, già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm trong khi tuổi thọ bình quân lại có xu hướng tăng...
Các thế hệ trong gia đình Hoàng gia Nhật Bản (từ trái sang): Cố Nhật Hoàng Hirohito, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Thái tử sắp nối ngôi Naruhito. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Về mặt chính trị, Bình Thành là thời kỳ chứng kiến nhiều bất ổn trên chính trường Nhật Bản. Trong ba thập niên đó, Nhật Bản đã chứng kiến 17 đời thủ tướng. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) - một chính đảng được thành lập năm 1955 - đã thống trị chính trường Nhật Bản phần lớn thời gian trong thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng cũng hai lần bị thay thế trong vòng 4 năm trong thời kỳ Bình Thành.
Chỉ đến khi đương kim Thủ tướng Shinzo Abe đưa LDP trở lại vị trí cầm quyền vào cuối năm 2012, chính trường Nhật Bản mới trở nên ổn định hơn.
Không chỉ được giới quan sát đánh giá cao, chính người dân Nhật Bản cũng bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đối với vị Hoàng đế thứ 125 này. Họ khẳng định ấn tượng về thời kỳ Bình Thành chính là người dân đất nước được sống trong hòa bình theo đúng như ý nghĩa của niên hiệu trong thời kỳ này.
Bình Thành là thời kỳ chứng kiến nhiều bất ổn trên chính trường Nhật Bản khi trong ba thập niên, đã có 17 đời thủ tướng
Anh Omura, một người sinh ra trong trong thời kỳ Bình Thành, cho biết ấn tượng của anh về thời kỳ này là hòa bình và không có chiến tranh. Còn theo ông Kagawa, ở thời kỳ Bình Thành, Nhật hoàng Akihito đã mang lại cho người dân Nhật Bản một tình cảm vô cùng ấm áp và yêu thương.
Trong khi đó, anh Lauri Lehtoruusu - một du khách Phần Lan đến Nhật Bản hôm 17-4 và có cơ hội chứng kiến thời khắc lịch sử của đất nước Mặt Trời mọc, cho rằng “đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử Nhật Bản.”
Giờ đây, thời kỳ Bình Thành đã kết thúc với việc Nhật hoàng Akihito thoái vị để nhường ngôi cho con trai. Nhiều người hy vọng Hoàng Thái tử Naruhito sẽ kế thừa những truyền thống tốt đẹp của vua cha.
Bên cạnh đó, với sức trẻ của mình, Hoàng Thái tử Naruhito sẽ mang lại sức sống mới cho đất nước và người dân Nhật Bản. Nếu được như vậy, Lệnh Hòa sẽ mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên đất nước Mặt Trời mọc./.
Theo Vietnamplus.vn