Trong cuộc đàm phán ngày 27-4, Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) và các thủ lĩnh lực lượng biểu tình Sudan, các nhóm phản đối chính quyền của Tổng thống vừa bị lật đổ Omar al-Bashir đã nhất trí thành lập một hội đồng cầm quyền chung, với thành phần bao gồm cả đại diện quân sự và dân sự.
Đây được coi là đột phá lớn trong các cuộc đàm phán giữa hai bên đối với những yêu cầu của phe biểu tình về việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự.
Các phát ngôn viên của phong trào biểu tình đường phố trong cuộc họp báo tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 27-4-2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một thủ lĩnh của lực lượng biểu tình xác nhận các bên đã nhất trí thành lập một hội đồng quân sự - dân sự chung và hiện đang tham vấn về tỷ lệ đại diện của lực lượng quân sự và dân sự tại hội đồng. Hội đồng mới sẽ là cơ quan cầm quyền, có nhiệm vụ thành lập một chính quyền dân sự chuyển tiếp.
Theo kế hoạch, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán trong ngày 28-4 để quyết định tỷ lệ đại diện của mỗi bên trong hội đồng. Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo quân đội cũng khẳng định sẽ không sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình.
Bất chấp kết quả khả quan trên, lực lượng biểu tình vẫn dựng trại bên ngoài các sở chỉ huy quân đội, đồng thời tuyên bố sẽ không rời đi cho đến khi yêu cầu thành lập một chính quyền dân sự được đáp ứng. Các xe ô tô chở hàng trăm người biểu tình chủ yếu đến từ tỉnh Kassala, miền Đông Sudan, vẫn tiếp tục đến các điểm tập trung biểu tình trong ngày 27-4.
Tổng thống al-Bashir bị lật đổ vào ngày 11-4 vừa qua. Quân đội Sudan đã thành lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, dự kiến kéo dài tối đa 2 năm.
Tuy nhiên, lực lượng biểu tình yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự. Ngày 24-4 vừa qua, TMC và lực lượng đối lập tại Sudan đã nhất trí thành lập một ủy ban giải quyết các bất đồng trong bối cảnh leo thang căng thẳng về thời hạn chuyển tiếp sang chính quyền dân sự.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, cựu Thủ tướng Sudan Sadiq al-Mahdi, đồng thời là thủ lĩnh đảng Umma quốc gia đối lập chống chính quyền của Tổng thống Bashir bị lật đổ và ủng hộ lực lượng biểu tình hiện nay, cho rằng nước này cần gia nhập Toà án Hình sự quốc tế (ICC) - vốn truy nã Tổng thống bị lật đổ al-Bashir vì tội ác chiến tranh và chống lại loài người liên quan đến cuộc xung đột ở Darfur, nổ ra năm 2003. Tuy nhiên, TMC nhiều lần khẳng định Tổng thống bị lật đổ al-Bashir sẽ bị xét xử trong nước. Hiện các công tố viên đã bắt đầu tiến trình điều tra.
Bên cạnh đó, ông Sadiq còn cho rằng việc quân đội phế truất Tổng thống Bashir "không phải là một cuộc đảo chính" và đảng Umma quốc gia sẽ không tham gia chính quyền chuyển tiếp dân sự.
Theo Báo Tin tức