Tổng thống Algeria A. Bouteflika quyết định từ chức

.

Tối 1-4 (theo giờ Việt Nam), hãng thông tấn nhà nước Algeria APS đưa tin Tổng thống đang đối mặt với nhiều sóng gió của nước này Abdelaziz Bouteflika sẽ từ chức trước ngày 28-4 tới.

Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika tại Zeralda, ngoại ô thủ đô Algiers. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika tại Zeralda, ngoại ô thủ đô Algiers. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn APS dẫn một tuyên bố cho biết Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã quyết định từ chức trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 28-4.

Tuyên bố khẳng định: "Tổng thống sẽ từ chức để đảm bảo các thể chế nhà nước tiếp tục thực hiện các chức năng của mình trong giai đoạn chuyển tiếp. Việc từ chức sẽ diễn ra trước ngày 28-4-2019".

Hội đồng Hiến pháp sẽ nhóm họp để cân nhắc về quyết định này.

Từ cuối tháng 2 đến nay, Algeria rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi người dân liên tục biểu tình với số lượng lớn chưa từng có, có lúc lên đến hàng trăm nghìn người và quy mô lan rộng trên khắp cả nước, đặc biệt tại thủ đô Algiers, nơi bị cấm biểu tình dưới mọi hình thức từ 2001, để phản đối Tổng thống Bouteflika tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 và yêu cầu thay đổi triệt để hệ thống chính trị nước này.

Việc ông Bouteflika, năm na 83 tuổi và đã giữ cương vị Tổng thống Algeria từ năm 1999, tuyên bố tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Bouteflika rút lui vì tình trạng sức khỏe quá yếu của ông do di chứng cơn đột quỵ từ năm 2013.

Biểu tình yêu cầu Tổng thống Abdelazizz Bouteflika chấm dứt việc kéo dài nhiệm kỳ 4 tại trung tâm thủ đô Algiers ngày 15/3. Ảnh: Tấn Đạt – Pv TTXVN tại Algeria
Biểu tình yêu cầu Tổng thống Abdelazizz Bouteflika chấm dứt việc kéo dài nhiệm kỳ 4 tại trung tâm thủ đô Algiers ngày 15-3. Ảnh: Tấn Đạt – Pv TTXVN tại Algeria

Trước áp lực ngày càng lớn của dư luận, ngày 11-3, Tổng thống Bouteflika đã tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, đồng thời hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 18-4 sắp tới. Ông cũng quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Noureddine Bedoui giữ cương vị Thủ tướng, thay thế ông Ahmed Ouyahia.

Ngày 31-3, trong một động thái nhằm tìm lối thoát cho thế căng thẳng chính trị của đất nước, Tổng thống Bouteflika tiếp tục bổ nhiệm chính phủ mới do Thủ tướng Noureddine Bedoui lãnh đạo để điều hành giai đoạn chuyển tiếp.

Theo hãng thông tấn nhà nước APS, nội các mới có 27 bộ trưởng, trong đó 6 người (3 phụ nữ) từng giữ các vị trí trong Chính phủ của Thủ tướng Bedoui. Cụ thể, Tướng Ahmed Gaïd Salah - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tham mưu trưởng quân đội giữ nguyên chức vụ; Tổng thống Bouteflika tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng; ông Sabri Boukadoum, cựu Đại sứ Algeria tại Liên hợp quốc, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao thay thế người tiền nhiệm Ramtane Lamamra.

Một số bộ trưởng khác được bầu lần này gồm Thẩm phán Slimane Brahmi làm Bộ trưởng Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Algeria Mohamed Loukal làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Mohamed Arkab làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng kiêm Giám đốc điều hành Công ty Điện và Khí đốt – SONELGAZ…

Người dân tham gia biểu tình tại Algiers, phản đối quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, ngày 1/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân tham gia biểu tình tại Algiers, phản đối quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, ngày 1/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 27-3, đảng Tập hợp quốc gia vì dân chủ (RND) - đối tác chủ chốt trong liên minh cầm quyền hiện nay của đảng Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF), cũng đã kêu gọi ông Bouteflika từ chức.

Trong một tuyên bố, lãnh đạo RND Ahmed Ouyahia nhấn mạnh đảng này hối thúc Tổng thống Bouteflika từ chức nhằm tạo điều kiện cho tiến trình chuyển giao quyền lực.

Động thái trên được đưa ra một ngày sau khi Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân quốc gia (ANP) Algeria, đồng thời là Thứ trưởng Quốc phòng, Tướng Ahmed Gaïd Salah đề xuất áp dụng Điều 102 của Hiến pháp Algeria nhằm giải quyết bế tắc chính trị.

Điều khoản 102 ghi rõ "khi Tổng thống Cộng hòa, do một căn bệnh nghiêm trọng và kéo dài, thấy mình hoàn toàn không thể hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình, có thể từ chức hoặc tạm chuyển giao quyền điều hành đất nước cho Quốc hội".

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.