Bí ẩn xung quanh vụ Anh thử hạt nhân ở Australia

.

Một đám mây hình nấm bốc lên trên khu vực thử hạt nhân ở Maralinga, miền Nam Australia năm 1956. Song nhiều thổ dân sống gần khu vực không hay biết gì về vụ thử cũng như mối nguy hiểm liên quan.

Di sản đen tối

Một vụ thử hạt nhân ở Maralinga. Ảnh: SBS
Một vụ thử hạt nhân ở Maralinga. Ảnh: SBS

Vụ thử vũ khí hạt nhân trên do Anh thực hiện bí mật cách đây hơn 65 năm ở Outback, Australia. Anh đã thực hiện 12 vụ thử vũ khí hạt nhân ở Australia trong những năm 1950 và 1960, phần lớn ở khu vực Outback thưa dân tại miền Nam Australia. Nhiều thổ dân Anangu đã bị cưỡng ép rời khỏi khu vực này trước các vụ thử. Việc họ buộc phải đi tái định cư nơi khác đã hủy hoại lối sống truyền thống của các gia đình thổ dân.

Theo Tiến sĩ Liz Tynan, nhà nghiên cứu và giảng viên cấp cao thuộc Đại học James Cook, lúc đầu Anh không muốn thử hạt nhân ở Australia. Họ thực sự muốn làm việc với người Mỹ. Anh và Mỹ đã hợp tác với nhau từ thời Dự án Manhattan trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1946, khi Mỹ phát hiện ra có một gián điệp Anh tham gia Dự án Manhattan, Mỹ đã thực thi Đạo luật McMahon để ngăn chặn việc phối hợp với các nước khác trong những chương trình quân sự bí mật.

Vụ nổ hạt nhân ở Maralinga. Ảnh: SBS
Vụ nổ hạt nhân ở Maralinga. Ảnh: SBS

Khi đó, Anh ở trong tình thế phải quyết định muốn làm mọi việc một mình hay không. Chính phủ Anh đã quyết định thực hiện nghiên cứu hạt nhân một mình nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ sẽ thực hiện thử hạt nhân ở đâu. Kế hoạch ban đầu là thử ở Canada nhưng khi người Canada nhìn thấy kế hoạch chi tiết, họ đã từ chối.

Khi đó, Anh bắt đầu hướng tới Australia. Tại thời điểm đó, ông Robert Menzies vừa tái đắc cử chức thủ tướng Australia được 10 tháng và ông đã đồng ý cho Anh thử hạt nhân với nhiều lý do. Một trong số đó là Australia muốn tìm kiếm an ninh thời hậu chiến và thấy đây là cơ hội để được Anh bảo vệ một lần nữa.

Bom được sử dụng trong vụ thử hạt nhân nói trên là bom nguyên tử, tạo ra đám mây hình nấm. Quả bom to nhất được thử có một đầu đạn hạt nhân 60kiloton. Nó to gấp 4 lần quả bom được thả xuống Hiroshima ở Nhật Bản. Người Anh cũng thử cả thiết kế bom. Họ có hai loại là Blue Danube và Red Beard.

Các vụ thử hạt nhân nhỏ hơn cũng được tiến hành, nhưng chính các vụ thử phóng xạ này còn nguy hiểm hơn các vụ lớn. Thứ còn lại sau các vụ thử hạt nhân là lượng plutoni còn sót lại ở Maralinga.

Rà soát hay bưng bít?

Ngôi làng Maralinga ở Nam Australia nhìn từ hướng Đông Bắc năm 1956. Ảnh: AAP
Ngôi làng Maralinga ở Nam Australia nhìn từ hướng Đông Bắc năm 1956. Ảnh: AAP

Theo CNN, có một điều đáng lưu ý là hàng chục tài liệu về các vụ thử hạt nhân nói trên đã bị rút khỏi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Australia mà không một lời giải thích.

Động thái không thông báo trên khiến nhiều nhà nghiên cứu và sử gia sốc vì họ phải dựa vào các tài liệu này trong công việc. Họ đã vận động từ lâu để một số tài liệu được giải mật.

Chuyên gia Elizabeth Tynan, tác giả cuốn “Atomic Thunder: The Maralinga Story” (Tiếng sấm hạt nhân: Câu chuyện Maralinga), nói: “Nhiều tài liệu của Anh có liên quan vẫn chưa được giải mật từ thời điểm xảy ra vụ thử hạt nhân. Đã quá lâu so với thời hạn 30 năm mà chính phủ giữ bí mật tài liệu. Việc rút các tài liệu từng có trước đó là điều cực kỳ không phù hợp và có dấu hiệu cố tình che đậy”.

Việc rút các tài liệu lần đầu được phát hiện ra cuối tháng 12/2018. Trong năm 2019, số tài liệu vẫn không được tiếp cận.

Thông tin về các vụ thử vẫn được giữ bí mật trong hàng chục năm. Mãi tới khi một ủy ban hoàng gia được thành lập năm 1984 dưới sức ép thông tin báo chí thì những tác hại với người bản địa và quân nhân Australia làm việc trên khu vực thử mới được biết tới rộng rãi.

Tấm biển cảnh báo phóng xạ tại Maralinga năm 1952. Ảnh: AAP
Tấm biển cảnh báo phóng xạ tại Maralinga năm 1952. Ảnh: AAP

1.200 thổ dân bị phơi nhiễm phóng xạ trong vụ thử. Thổ dân sống gần khu vực thử từ lâu đã phàn nàn về những ảnh hưởng mà họ phải chịu sau khi xuất hiện “sương mù đen” trên một khu trại gần Maralinga sau vụ thử Totem 1 tháng 10/1953. Có người thấy nhức mắt và phát ban, có người nôn mửa và bị tiêu chảy, có người bị sốt. Các thành viên nhiều gia đình đều chết sớm. Vụ nổ gây mù lòa cho nhiều người. Các bệnh về lâu dài như ung thư và bệnh phổi được phát hiện những năm 1980.

Những lời phàn nàn này bị các quan chức bác bỏ và nhạo báng trong hàng chục năm. Mãi tới khi có báo cáo của Ủy ban Hoàng gia thì Anh mới đồng ý trả 30 triệu USD bồi thường cho Chính phủ Australia và chủ đất các khu vực ở Maralinga. Chính phủ Australia cũng đã chi 9 triệu USD để dàn xếp với cộng đồng người thổ dân ở Maralinga.

Mặc dù tổn hại với cộng đồng thổ dân đã được thừa nhận, nhưng phần lớn thông tin về vụ thử hạt nhân Totem I và các vụ thử khác ở Maralinga và về sau ở Emu Field đều được giữ bí mật, thậm chí cả trước khi xảy ra việc rút tài liệu lưu trữ gần đây.

Bà Tynan nói: “Các vụ thử hạt nhân của Anh ở Australia đã gây ra tổn hại to lớn với dân bản địa, quân đội, các nhân sự khác cũng như nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn của Australia. Bí ẩn về các vụ thử hạt nhân của Anh ở Australia vẫn còn đó và những bí ẩn này đã trở nên khó bị đưa ra ánh sáng hơn khi Chính phủ Anh chặn quyền tiếp cận các tài liệu”.

Xem những hình ảnh về một vụ thử hạt nhân của Anh ở Maralinga (nguồn: AP):

Ông Alan Owen, Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh thử hạt nhân Anh chuyên vận động thay mặt cho các cựu quân nhân, nói rằng việc rút các tài liệu này không chỉ ảnh hưởng tới chiến dịch của họ mà còn ảnh hưởng tới nhiều tổ chức học thuật phụ thuộc vào tài liệu. Ông nói: “Chúng tôi rất lo những tài liệu đó sẽ không được xuất bản lại và Bộ Quốc phòng sẽ bác bỏ trách nhiệm về hậu quả mà vụ thử gây ra với các thành viên của hiệp hội chúng tôi”.

Phát ngôn viên Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Australia cho biết việc rút tài liệu về vụ thử hạt nhân được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Giải trừ Năng lượng Hạt nhân (NDA) – đơn vị có trách nhiệm cao nhất với số tài liệu này.

NDA cho biết một số hồ sơ đã tạm thời bị rút khỏi khu vực tiếp cận chung ở kho lưu trữ tại Kew theo quy trình rà soát. Theo người phát ngôn nói trên, hiện chưa rõ quá trình rà soát sẽ mất bao lâu, nhưng NDA cho biết nhiều tài liệu sẽ được trả về kho lưu trữ đúng thời hạn.

Ông Jon Agar, Giáo sư khoa học và công nghệ tại Đại học London, cho biết số tài liệu bị rút không chỉ một vài mà là toàn bộ 2 loạt tài liệu mà trước kia các nhà nghiên cứu vẫn được tiếp cận. Ông nói: “Những tài liệu này cần thiết với bất kỳ sử gia nào trong các dự án hạt nhân Anh, tất nhiên có cả các vụ thử ở Australia”.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.