Quan hệ giữa Mỹ và Iran xuất hiện thêm nhiều diễn biến nguy hiểm: Iran vừa tuyên bố dừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi trước đó; Chính quyền Washington lo binh sĩ Mỹ tại Trung Đông sẽ bị Iran tấn công.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Diễn biến mới
Theo tờ Vox, quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn đã căng thẳng thời Tổng thống Donald Trump nay lại càng căng thẳng hơn với nhiều diễn biến mới.
Ngày 5-5, Chính quyền Mỹ cho biết có nguồn tin tình báo đáng tin cậy nói rằng Iran và các tổ chức mà nước này hậu thuẫn ở Trung Đông có thể tấn công nhân sự Mỹ tại đây. Hai ngày sau, báo cáo về kế hoạch cụ thể của Iran đã xuất hiện. Họ dường như sẽ nhằm vào binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria hoặc sử dụng thiết bị không người lái chống người Mỹ ở Yemen.
Sau khi nắm được thông tin tình báo trên, Chính quyền Mỹ đã điều tàu sân bay và máy bay ném bom tới khu vực Trung Đông nhằm nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã được phái tới khu vực của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói Washington không muốn chiến tranh với Iran nhưng “hoàn toàn sẵn sàng để đáp trả một cuộc tấn công”.
Trong khi đó, ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có bài phát biểu trên truyền hình, tuyên bố Iran rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với 6 nước hồi năm 2015. Dù giảm cam kết với thỏa thuận nhưng Iran sẽ không rút khỏi hoàn toàn. Trong bài phát biểu, ông Rouhani cáo buộc những người theo đường lối cứng rắn ở Mỹ đã nỗ lực làm suy yếu thỏa thuận từ năm 2015 tới nay.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một cuộc họp nội các. Ảnh: CNN |
Theo thỏa thuận năm 2015, Iran được phép dự trữ một lượng hạn chế urani làm giàu (300kg) và nước nặng, trong khi phần vượt quá qui định phải đưa ra nước ngoài. Tuy nhiên, xuất khẩu đã trở nên cực kỳ khó khăn sau khi Mỹ không cho phép Iran xuất khẩu số urani làm giàu và nước nặng thừa. Do đó, Iran đã rơi vào tình thế buộc phải ngừng làm giàu urani hoặc phải phớt lờ quy định về số lượng urani và nước nặng mà nước này tích trữ.
Trong một tuyên bố do hãng thông tấn Iran Fars công bố, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) cho biết Iran không cam kết tuân theo các quy định về giới hạn lượng urani làm giàu và nước nặng được phép giữ lại trong nước nữa. SNSC cho biết các đối tác khác có 60 ngày để giảm áp lực trừng phạt với Iran, nếu không Iran sẽ ngừng thực hiện quy định về hạn chế mức độ làm giàu urani cũng như không thực hiện các biện pháp liên quan tới hiện đại hóa lò phản ứng nước nặng Arak.
Nếu các đối tác khác đáp ứng yêu cầu giảm nhẹ trừng phạt Iran, Tehran sẽ nối lại thực hiện các cam kết trong thỏa thuận. Nếu không, Iran sẽ ngừng thực hiện các cam kết còn lại.
Trước đó, vào đúng ngày 8-5-2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do thỏa thuận này chỉ dọn đường cho Iran tiến tới sản xuất bom hạt nhân.
Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi cho đến ngày 8/5 một năm sau.
Tình thế nguy hiểm
Theo tờ Vox, tuyên bố mới nhất của Iran cho thấy một kịch bản rõ ràng: Iran muốn khởi động lại chương trình hạt nhân. Tình hình phức tạp, nguy hiểm này có thể dễ dàng vượt tầm kiểm soát nếu Mỹ và Iran không xử lý cẩn thận. Một số chuyên gia lo ngại “những cái đầu lạnh” khó thắng thế.
Tổng thống Iran Rouhani tại nhà máy hạt nhân Bushehr. Ảnh: AP |
Mặc dù các diễn biến trên dường như có yếu tố bất ngờ nhưng những leo thang căng thẳng tương tự lúc nào cũng có thể diễn ra trong quan hệ Mỹ-Iran từ khi ông Trump nắm quyền, nhất là từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.
Tháng trước, Chính quyền Mỹ đã đẩy quan hệ với Iran xuống một mức xấu mới khi liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đáp lại, Iran cũng coi lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông là khủng bố.
Do đó, với một số nhà phân tích, việc Iran trả đũa không có gì là bất ngờ. Bà Suzanne Maloney, một chuyên gia về Iran tại Viện Brookings tại Washington, cho rằng việc phản công đáp trả áp lực là một phần chiến lược của Iran. Còn ông Phillip Smyth, một chuyên gia về Iran tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, cho biết từ đầu năm 2018 Iran đã có động thái gửi tín hiệu tới Mỹ, cảnh báo về tình hình khu vực xấu đi. Dù không quá bất ngờ nhưng những thông tin tình báo cũng đáng lo ngại với người Mỹ.
Các Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: Imago Press |
Hiện nay, Iran không thấy có lợi ích gì khi tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Bằng cách rút một phần khỏi thỏa thuận, Iran cũng phát đi thông điệp rằng lỗi thuộc về Chính quyền Mỹ.
Cũng có khả năng các đối tác châu Âu sẽ tức giận nếu Iran khởi động lại chương trình hạt nhân. Khi đó, chút lòng tin ít ỏi còn lại giữa các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân sẽ bị xói mòn.
Theo CNN, tình hình bế tắc hiện nay có thể sẽ duy trì lâu. Cả Mỹ và Iran dường như không quan tâm tới đàm phán nghiêm túc. Nếu may mắn, thế giới có thể tránh viễn cảnh leo thang quân sự nghiêm trọng. Còn về mặt ngoại giao, hai bên đang không đi đến đâu.
Tổng thống Trump từng đưa ra ý tưởng tìm cách đàm phán thỏa thuận tốt hơn với Iran và đã đề nghị gặp Tổng thống Rouhani. Tháng 5/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặt ra hàng chục điều kiện mà Iran phải đáp ứng để dỡ bỏ trừng phạt và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Theo CNN, đây không phải là đề nghị đàm phán nghiêm túc mà là một đòi hỏi Iran giơ cờ trắng ra hàng. Chiến lược của Mỹ dường như là thay đổi chế độ ở Iran mặc dù các quan chức Mỹ luôn tuyên bố không quan tâm tới việc này. Các bằng chứng là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, coi vệ binh Iran là khủng bố, siết chặt cấm vận…
Do đó, sẽ không có phép màu hay đột phá nào trong quan hệ hai nước. Trong tương lai trước mắt, quan hệ Iran-Mỹ sẽ tiếp tục sóng gió và căng thẳng như hiện nay.
Theo Báo Tin tức