Triều Tiên thử vũ khí: Thông điệp cứng rắn

.

CHDCND Triều Tiên vừa thử giàn phóng rocket đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật với sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các nhà quan sát cho rằng, Triều Tiên muốn gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ trong lúc đàm phán hạt nhân bế tắc.

Hình ảnh do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 5-5 cho thấy Bình Nhưỡng vừa thử giàn phóng rocket đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật. Ảnh: Yonhap
Hình ảnh do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 5-5 cho thấy Bình Nhưỡng vừa thử giàn phóng rocket đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật. Ảnh: Yonhap

Báo chí của Triều Tiên ngày 5-5 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát vụ thử giàn phóng rocket đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật diễn ra một ngày trước đó ở khu vực biển Nhật Bản.

Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, cuộc diễn tập nhằm kiểm tra khả năng hoạt động, độ chính xác của giàn phóng rocket tầm xa cỡ lớn cũng như vũ khí dẫn đường chiến thuật của các đơn vị phòng thủ ở khu vực tiền tuyến và mặt trận phía đông.

KCNA còn cho hay, ông Kim thúc giục quân đội ghi nhớ rằng, chỉ có sức mạnh mới có thể bảo đảm hòa bình và an ninh thực sự. Trang nhất báo Rodong Sinmun của Triều Tiên ngày 5-5 đăng 16 bức ảnh về vụ thử, trong đó có bức ảnh chụp ông Kim Jong-un cầm ống nhòm trong một trạm quan sát và một số hình ảnh đạn được bắn lên trời.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ghi nhận Triều Tiên đã thực hiện vụ thử giàn phóng rocket đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới với tầm bắn từ 70-240km.

Cuộc diễn tập ngày 4-5 được tiến hành sau vụ thử vũ khí chiến thuật tầm ngắn hồi tháng trước trong lúc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên bế tắc. Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định, Bình Nhưỡng dường như muốn gây áp lực với Washington, qua đó cho thấy quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên mất kiên nhẫn với cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ cũng như hợp tác kinh tế liên Triều không mấy tiến triển. Bình Nhưỡng muốn Washington thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân.

“Ông Kim muốn thế giới biết Bình Nhưỡng đang thất vọng với quan điểm cứng rắn của Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa và sẽ không chịu khuất phục trước áp lực bên ngoài”, ông Scott Seaman ở Tập đoàn tư vấn chính sách Á - Âu Eurasia nói.

Trước khi bán đảo Triều Tiên có những chuyển động tích cực với các tiến trình ngoại giao và hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo lần cuối vào tháng 11-2017. Từ đó, Bình Nhưỡng không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân nào. Việc quốc gia này thử tên lửa trở lại có thể làm Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận.

Tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap, ông Trump khẳng định vẫn tin tưởng nhà lãnh đạo Kim Jong-un giữ cam kết phi hạt nhân hóa. “Tôi tin ông Kim Jong-un nhận thấy những tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên và sẽ không làm gì để ngăn cản hay chấm dứt triển vọng này”, ông Trump viết trên Twitter.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 hồi tháng 6-2018, Tổng thống Trump cho rằng, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên không còn khi ông Kim Jong-un cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Song, hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng xung quanh các bước phi hạt nhân hóa và nới lỏng các biện pháp trừng phạt nên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai vào tháng 2-2019. Đàm phán hạt nhân bế tắc cũng gây thiệt hại đáng kể đối với các dự án hợp tác liên Triều.

Theo nhà phân tích Ankit Panda, lần thử vũ khí mới của Triều Tiên đã được dự báo trước, đồng thời động thái của Bình Nhưỡng không vi phạm các cam kết của ông Kim Jong-un về việc đình chỉ các vụ thử tên lửa, vốn chỉ áp dụng đối với các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Chính phủ Hàn Quốc khẳng định hành động thử vũ khí của Triều Tiên đã vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều. Thỏa thuận này được ký kết trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 9-2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 27-10-2018. Theo đó, thỏa thuận kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch giữa hai bên như dừng tất cả các cuộc tập trận quân sự gần biên giới đất liền và biên giới biển của hai quốc gia, nhằm giảm căng thẳng quân sự và ngăn chặn các cuộc xung đột không mong muốn.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.