"Quan hệ đặc biệt" Mỹ - Anh rạn nứt

.

Chuyến công du Anh trong 3 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tái khẳng định mối quan hệ nhất quán và đặc biệt giữa hai đồng minh thân thiết. Song, quan hệ đặc biệt này đang rạn nứt khi ông Trump thực hiện những chính sách khác với mong muốn của Anh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đến Anh trong lúc xứ sở sương mù gặp khủng hoảng vì Brexit. 	Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đến Anh trong lúc xứ sở sương mù gặp khủng hoảng vì Brexit. Ảnh: AP

Ngày 3-6, Anh trải thảm đỏ đón khách quý - Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania trong chuyến thăm cấp nhà nước với mong muốn sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước vốn là đồng minh thân thiết hơn 70 năm kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Theo đó, ông Trump có nhiều hoạt động ở Anh như: dùng bữa trưa và bữa tối với Nữ hoàng Anh Elizabeth, uống trà với Thái tử Charles, hội đàm với Thủ tướng Theresa May, dự lễ kỷ niệm ngày D-Day ở thành phố Portsmouth (đánh dấu 75 năm cuộc đổ bộ của quân đồng minh từ Anh sang châu Âu chống phát-xít Đức trong Thế chiến thứ hai) và thăm tu viện Westminster…

Giới quan sát cho rằng, những phát biểu của ông Trump trước thềm chuyến công du về vấn đề Brexit cũng như việc Thủ tướng May từ chức trong một vài ngày tới sẽ tác động đến kết quả của chuyến thăm này. Ông Trump đã kêu gọi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không cần thỏa thuận nếu các yêu cầu không được Brussels đáp ứng, đồng thời chọn luôn người mà ông mong muốn thay thế bà May cũng như người tham gia đàm phán về Brexit.

Ngay trên máy bay, bằng những dòng tweet, nhà lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích Thị trưởng London Sadiq Khan, người đã phản đối mạnh mẽ việc chính phủ Anh đón tiếp ông. Tổng thống Trump gọi ông Khan là “kẻ siêu thất bại” (stone cold loser) và khuyên Thị trưởng London nên tập trung xử lý tội phạm ở thủ đô thay vì chú ý Tổng thống Mỹ.

Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn và lãnh đạo các đảng đối lập khác tẩy chay lời mời dự quốc yến chào mừng Tổng thống Trump đến Điện Buckingham.

Năm ngoái, chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Trump đến Anh bị phủ bóng bởi những chỉ trích về cách tiếp cận vấn đề Brexit của bà May và những cuộc biểu tình làm ông cảm thấy “không được chào đón”. Nay khoảng 250.000 người biểu tình cũng tập trung trên các tuyến đường ở London để một lần nữa vị Tổng thống đến từ bên kia bờ đại dương cảm thấy “không được chào đón”.

Sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2016, bà May là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chào đón đến Nhà Trắng. Song, quan hệ Trump - May không phải lúc nào cũng màu hồng. Họ bất đồng quan điểm về các chính sách nhập cư của ông Trump, về thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris và cả vụ rò rỉ thông tin liên quan Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Washington đang muốn gây áp lực để Anh không cho Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Chính phủ của bà May hiện chưa đưa ra quyết định nào liên quan tới việc cho phép Huawei tiếp cận mạng 5G ở Anh.

Mặc dù quan hệ đang rạn nứt nhưng Mỹ - Anh vẫn có chung nhiều lợi ích chiến lược và kinh tế. Nhà Trắng khẳng định, chuyến công du lần này của ông Trump nhằm tái khẳng định mối quan hệ nhất quán và đặc biệt giữa Mỹ và Anh. Còn bà May vẫn muốn chuyến công du lần này là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác thân thiết giữa hai nước.

Chuyên gia Heather Conley tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng, chuyến thăm mang tính biểu tượng bởi hai nước sẽ khó đạt được những thỏa thuận lớn, nhất là trong lúc nước Anh rơi vào khủng hoảng chính trị vì một Brexit đầy trắc trở. 

Ngày 3-6, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, ứng cử viên sáng giá cho chức thủ tướng Anh, cam kết đưa nước này rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận. Hiện 13 ứng cử viên đã tuyên bố tranh cử chức thủ tướng thay thế bà Theresa May.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.