Chính trường Anh khủng hoảng vì Quốc hội "treo"

.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang bị chỉ trích gay gắt khi ông đề xuất kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ nhằm ngăn cản Quốc hội chống lại việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.

Biểu tình chống Brexit và cả ủng hộ Brexit diễn ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 29-8. Ảnh: Reuters
Biểu tình chống Brexit và cả ủng hộ Brexit diễn ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 29-8. Ảnh: Reuters

Hãng Bloomberg cho rằng, việc Thủ tướng Boris Johnson đề xuất kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ đến ngày 14-10, thay vì ngày 3-9, mặc dù đã được Nữ hoàng Elizabeth II chấp thuận nhưng làm dấy lên cuộc chiến pháp lý khi chỉ còn 63 ngày nữa Anh rời EU. Các đảng chống Brexit ngày 29-8 đệ đơn lên các tòa án ở Edinburgh và London; một nhóm khoảng 70 nghị sĩ thúc giục mở phiên tòa khẩn cấp tại Edinburgh. Đây là thách thức lớn nhất mà ông Johnson phải đối mặt kể từ lúc nhậm chức Thủ tướng.

Thực chất, ông Johnson muốn hoãn lịch làm việc của Quốc hội nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10. Nhà lãnh đạo này vẫn kiên quyết đưa nước Anh rời EU đúng vào ngày 31-10, dù có hay không có thỏa thuận. Nếu Quốc hội làm việc trở lại vào ngày 3-9 sẽ tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia và cản trở kế hoạch “tay trắng” rời EU. Song, đề xuất của ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sĩ và các nhà vận động. Phe đối lập gọi việc hoãn họp Quốc hội là hành động “đảo chính” và “vi phạm hiến pháp”. Doanh nhân Gina Miller - người dẫn đầu chiến dịch chống Brexit nói rằng, đề xuất hoãn lịch làm việc của các nghị sĩ là bất hợp pháp. “Cách này chưa được sử dụng trong lịch sử hiện đại”, bà Miller nói với đài BBC.

Theo hãng AFP, sáng sớm 29-8, hàng ngàn người biểu tình tại thủ đô London, Manchester, Edinburgh và những thành phố khác. Những người biểu tình tập trung gần tòa nhà Quốc hội ở London, hô vang “ngừng đảo chính” và vẫy cờ của EU. Hơn 1,2 triệu người cũng ký tên vào lá đơn yêu cầu Thủ tướng Johnson hủy bỏ quyết định “treo” Quốc hội trong 5 tuần.

Ông Jeremy Corbyn, Chủ tịch Công đảng - đảng đối lập chính ở Anh chỉ trích động thái của Thủ tướng Johnson là “cuộc tấn công mạnh mẽ vào nền dân chủ”, đồng thời nhắc lại rằng ông có thể kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ. Công đảng vốn thúc đẩy cuộc tranh luận khẩn cấp khi Quốc hội trở lại làm việc nhằm khởi động tiến trình pháp lý ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận. Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng cam kết chống lại việc không có thỏa thuận. “Sẽ là vi hiến nếu chính phủ ngăn cản Quốc hội giải quyết vấn đề vào thời điểm khủng hoảng quốc gia”, ông Hammond nói. Chính các thành viên trong đảng Bảo thủ cầm quyền cũng phản đối hành động của Thủ tướng Johnson.

Báo The Times ngày 29-8 cho rằng, Thủ tướng Johnson “đẩy nước Anh đến bên bờ khủng hoảng hiến pháp”.
Theo lãnh đạo Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg, những nghị sĩ muốn ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận phải đưa ra 2 sự lựa chọn: thay đổi luật pháp hoặc thay đổi chính phủ; nếu không, Anh sẽ rời “mái nhà chung” vào ngày 31-10 theo kết quả trưng cầu dân ý năm 2016.

Trong cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh hồi năm 2016, 52% số cử tri ủng hộ việc rời khối. Từ đó, nước Anh luẩn quẩn, thậm chí bế tắc với vấn đề Brexit. Quốc hội Anh cũng đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận mà EU đã ký với bà Theresa May, người tiền nhiệm của ông Johnson, vào tháng 11-2018 bởi không chấp nhận điều khoản “chốt chặn” hình thành “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Irealand và Bắc Ireland. Nhậm chức Thủ tướng cách đây 1 tháng, ông Johnson muốn EU hủy bỏ điều khoản “chốt chặn” nhưng Brussels nhiều lần bác bỏ đề nghị này.

Giờ đây, chỉ trông chờ vào hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-10 tới để xem có sự thỏa hiệp và nhượng bộ nào hay không. Nếu không, Anh chắc chắn phải “tay trắng” rời khối gồm 28 thành viên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.