Việc chính phủ của Tổng thống Donald Trump hoãn tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và Bắc Kinh mua nông sản của Mỹ là những dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nước “hạ nhiệt”, tạo đà cho vòng đàm phán sắp tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tham dự cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: Reuters |
Trước thềm vòng đàm phán dự kiến diễn ra trong tháng 10 tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc, mặc dù không loại bỏ khả năng có thể có thỏa thuận tạm thời. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết, Washington muốn đạt được “tiến bộ có ý nghĩa” trong đàm phán với Trung Quốc. “Tháng tới là thời điểm quan trọng. Chúng tôi hy vọng có thể tạo được tiến triển tốt. Nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận đúng đắn, chúng tôi sẽ chốt thỏa thuận”, ông Mnuchin nói.
Việc Tổng thống Trump hoãn kế hoạch tăng thuế bổ sung từ 25% lên 30% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15-10, đồng thời Bắc Kinh nhập ít nhất 10 tàu đậu nành của Mỹ, tương đương ít nhất 600.000 tấn đậu nành, từ tháng 10 đến tháng 12 là những dấu hiệu tích cực nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại. Đây là số lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ lớn nhất của Trung Quốc kể từ tháng 6 đến nay.
Câu chuyện mua nông sản là một trong những điểm vướng mắc trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, nhằm đáp trả các biện pháp thuế quan của chính phủ Mỹ, các công ty nhà nước Trung Quốc đã dừng mua đậu nành, thịt heo và các sản phẩm khác của cường quốc hàng đầu thế giới. Sự “ăn miếng trả miếng” này là đòn giáng vào nông dân Mỹ, khiến họ mất thị trường tiêu thụ.
Giờ đây, ngoài mặt hàng đậu nành, các doanh nghiệp Trung Quốc còn bắt đầu tham khảo giá thịt heo của Mỹ. Bắc Kinh cũng thể hiện thiện chí bằng việc miễn áp thuế mới đối với 16 mặt hàng, trong đó có thuốc chống ung thư, chất bôi trơn và một số hàng tiêu dùng khác của Mỹ.
Để chuẩn bị vòng đàm phán thương mại cấp cao vào đầu tháng 10, các quan chức cấp thấp hơn của Mỹ và Trung Quốc dự kiến có cuộc gặp “tiền trạm” tại Washington vào tuần tới, theo đó sẽ đề cập vấn đề cân bằng thương mại, quyền tiếp cận thị trường và bảo hộ đầu tư. Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn, thúc đẩy đàm phán hướng tới một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại. Giám đốc điều hành Hội đồng Xuất khẩu đậu nành Mỹ Jim Sutter mô tả việc Trung Quốc mua số lượng lớn đậu nành là “sự tan băng” trong quan hệ Mỹ - Trung, tạo đà đưa thương mại trở lại bình thường.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khi Tổng thống Trump gây sức ép buộc Bắc Kinh chấm dứt những hoạt động mà Washington cho là không công bằng, trong đó có việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, trợ giá công nghiệp, thao túng tiền tệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Tổng thống Trump từng nói rõ, ông muốn tất cả những vấn đề này phải trở thành một phần của thỏa thuận thương mại. Ông chủ Nhà Trắng cũng đã thể hiện cách tiếp cận và giải quyết vấn đề thông qua những chính sách tăng thuế với Trung Quốc từ tháng 7-2018. Cũng từ đó, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.
Ông William Reinsch, cựu quan chức cao cấp của Bộ Thương mại cho rằng, những hành động thiện chí giữa hai bên trong lúc này có thể tạo thuận lợi phần nào cho tiến trình đàm phán, song những trở ngại lớn vẫn còn đó. “Cả hai bên đang cố gắng tìm cách giải quyết mới mẻ”, ông Reinsch nói nhưng cho rằng “sẽ không có gì thay đổi về cơ bản, và khi cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán, họ sẽ nhận ra điều đó”.
Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) vừa dự đoán, những chính sách thuế trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,8% trong năm 2020 và tiếp tục gây ra nhiều tổn thất kinh tế. Hồi tháng 8, IMF cho hay, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chịu những rủi ro khó lường nếu “bão” thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất tiếp diễn. |
TRẦN ĐẮC LUÂN