Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hàng loạt giải pháp quân sự đối với Iran để Tổng thống Donald Trump lựa chọn, còn Ngoại trưởng Mike Pompeo đề cập “giải pháp hòa bình” sau vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia.
Những mảnh vỡ được cho là của máy bay không người lái đến từ Iran, tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công nhà máy lọc dầu Abqaiq. Ảnh: Getty Images |
Hãng AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, trong cuộc họp an ninh tại Nhà Trắng ngày 20-9 (giờ Washington), trên cơ sở đề xuất của Lầu Năm Góc, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu các mục tiêu hông kích trên lãnh thổ Iran và cảnh báo việc dùng hành động quân sự chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo có thể khiến căng thẳng leo thang thành chiến tranh. Cuộc họp này là cơ hội đầu tiên để Mỹ quyết định phản ứng như thế nào đối với vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia, đồng minh Trung Đông của Washington. Song, bất kỳ phản ứng nào cũng phải dựa vào chứng cứ mà Mỹ và Saudi Arabia thu thập được cho thấy các tên lửa hành trình và máy bay không người lái thực hiện vụ tấn công đến từ Iran.
Trong khi đó, Iran kiên quyết bác bỏ mọi sự liên quan và khẳng định nếu Mỹ tấn công Tehran thì sẽ khơi mào “một cuộc chiến tranh toàn diện” với sự trả đũa ngay lập tức từ quốc gia vùng Trung Đông này.
Theo AP, cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lẫn Ngoại trưởng Mike Pompeo đều chỉ trích vụ tấn công ở Saudi Arabia là “hành động chiến tranh”.
Ông Pence cho hay, Tổng thống Trump sẽ xem xét thực tế và quyết định những bước đi tiếp theo, “nhưng người Mỹ có thể tin rằng, nước Mỹ đang bảo vệ lợi ích quốc gia ở khu vực và sát cánh với các đồng minh”. Phản ứng của Mỹ có thể là hành động quân sự, chính trị, hoặc kinh tế. Các lựa chọn quân sự có thể bao gồm: từ không có hành động nào, đến không kích, hoặc những động thái ít thấy hơn như tấn công mạng. Một phương án khác là Mỹ hỗ trợ thêm quân sự để Saudi Arabia phòng vệ trước khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ phía bắc, vì hầu hết tuyến phòng thủ của Riyadh hiện tập trung vào các mối đe dọa từ phiến quân Houthi ở Yemen, phía nam vương quốc Arab này.
Theo Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tổng thống Trump muốn có “nhiều phương án lựa chọn”. Quân đội Mỹ đã lập danh sách các mục tiêu tại Iran, trong đó có nhà máy lọc dầu Abadan - một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới, hay đảo Khark - khu vực xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất nước.
Bà Elissa Slotkin, cựu Cố vấn chính sách về Trung Đông của Lầu Năm Góc, hy vọng người đứng đầu Nhà Trắng xem xét các phương án, trong đó có việc bổ sung lực lượng cũng như thiết bị quân sự bên trong và xung quanh Saudi Arabia nhằm giúp gia tăng an ninh cho nước này. Lầu Năm Góc cho biết, chưa hoàn tất việc đánh giá tên lửa hành trình và máy bay không người lái xuất phát từ đâu, các quan chức vẫn đang cố gắng dựa vào các mảnh vỡ tìm thấy tại hiện trường để xác định vụ tấn công có đến từ Iran hay không.
Trong lúc đó, theo báo The Guardian, trên đường trở lại Washington sau chuyến công cán đến Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ngoại trưởng Pompeo “dịu giọng” hơn khi cho biết Mỹ và đồng minh đang tìm “giải pháp hòa bình” với Iran. Mỹ đang xây dựng liên minh để ngăn Iran nhưng ông Pompeo nói rằng, đây là liên minh “hướng tới mục tiêu hòa bình”. Không có thông tin chi tiết về liên minh mà nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đề cập, chỉ biết rằng sau những vụ bắt bớ tàu chở dầu ở vùng Vịnh, Washington đang xây dựng liên minh an ninh hàng hải toàn cầu để bảo vệ các tàu và kêu gọi nhiều nước tham gia. UAE, Saudi Arabia, Anh và Bahrain đã xác nhận tham gia liên minh này.
Với những tuyên bố và động thái nói trên, Mỹ và Iran dường như đặt mọi kịch bản trong tình trạng chờ đợi. Chính Tổng thống Trump vẫn thể hiện rằng, ông chưa sẵn sàng leo thang căng thẳng với Iran. Giới quan sát mô tả “ngửi thấy mùi thuốc súng” ở Trung Đông, nhưng một cuộc chiến giữa Washington và Tehran sẽ chưa thể diễn ra ngay lập tức.
THIÊN BÌNH