Anh và EU vẫn loay hoay với Brexit

.

Các chính trị gia ở Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang nhìn vào hành động của nhau đối với việc phá vỡ thế bế tắc của Brexit sau khi Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 12-12 tới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn tổ chức bầu cử sớm vào ngày 12-12.                Ảnh: EPA
Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn tổ chức bầu cử sớm vào ngày 12-12. Ảnh: EPA

Các đại sứ EU ngày 25-10 nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo về việc lùi thời hạn Brexit sau ngày 31-10. Các thành viên thuộc EU đã nhất trí về mặt nguyên tắc lùi thời điểm Brexit nhưng chưa quyết định khoảng thời gian gia hạn kéo dài bao lâu, 3 tháng hay ít hơn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khuyến nghị các đại sứ nên thông qua đề xuất của Anh về việc gia hạn Brexit thêm 3 tháng, tức đến ngày 31-1-2020.

Song, Pháp ủng hộ giải pháp gia hạn ngắn hơn 3 tháng và muốn Anh đưa ra “kịch bản rõ ràng” về tiến trình Brexit trước khi EU quyết định việc trì hoãn trong bao lâu. “Quan điểm của chúng tôi là nếu đơn giản chỉ cho thêm thời gian, mà không có sự thay đổi về chính trị, không có sự phê chuẩn, không bầu cử thì sẽ vô ích”, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin phát biểu với đài RTL đêm 24-10.

Trong lúc đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa bất ngờ để ngỏ khả năng chấp nhận trì hoãn Brexit với điều kiện Quốc hội của nước ông phải đồng ý tổ chức bầu cử sớm vào ngày 12-12. Theo đó, ngày 28-10, các nghị sĩ Anh sẽ bỏ phiếu về kế hoạch tổng tuyển cử trước thời hạn. Ông Johnson cũng muốn Quốc hội thông qua luật phê chuẩn thỏa thuận Brexit của chính phủ trước ngày 6-11.

Những nỗ lực của Anh và EU trong chặng “nước rút” này cho thấy cả hai đều muốn tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận. Hơn hết, Thủ tướng Johnson đang thể hiện sự “xuống nước” bởi ông không còn quyết “sống chết” với việc rời EU vào đúng ngày 31-10, dù có hay không có thỏa thuận.

Để kêu gọi bầu cử sớm, ông Johson - vốn đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số - phải giành được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ trong Hạ viện. Các đảng đối lập nói rằng, họ sẽ không bỏ phiếu ủng hộ bầu cử sớm cho đến khi chính phủ bảo đảm gia hạn Brexit. Công đảng - đảng đối lập lớn nhất ở Anh tuyên bố sẽ phong tỏa bất kỳ kế hoạch bầu cử sớm nào, trừ khi ông Johnson loại bỏ khả năng rời EU không có thỏa thuận. Phát ngôn viên của Công đảng, bà Diane Abbott phát biểu với BBC rằng, đảng này muốn có “cam kết rõ ràng” về việc sẽ không xảy ra Brexit không thỏa thuận “bởi chúng tôi không tin tưởng ông Boris Johnson”. Bà Abbott gọi việc “tay trắng” rời EU là “thảm họa”.

Thời gian gần đây, ông Johnson lý giải việc rời EU vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận là cách duy nhất nhằm gây áp lực với các quan chức EU, buộc Brussels phải nhượng bộ cho một thỏa thuận “ly hôn”. Tuần trước, ông Johnson bất ngờ đạt được thỏa thuận Brexit mới với EU, nhưng các nghị sĩ Anh từ chối thông qua trước thời hạn 19-10, buộc người đứng đầu nhà số 10 phố Downing phải đề nghị EU gia hạn Brexit đến cuối tháng 1-2020. Hãng AP cho biết, có sự nhượng bộ trong các đại sứ EU tham dự cuộc họp vào ngày 25-10, nhưng họ vẫn chưa thống nhất việc cho nước Anh thời gian bao lâu để giải quyết khủng hoảng chính trị. Theo báo The Independent, quyết định sẽ được các đại sứ đưa ra vào ngày 28 hoặc 29-10.

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid tin rằng, EU sẽ phê duyệt thời hạn 3 tháng và cách tốt nhất để tháo gỡ bế tắc là kêu gọi bầu cử. “3,5 năm trước đã có quyết định Brexit và tiến trình Brexit cứ trì hoãn mãi. Chúng ta phải kết thúc điều này, kết thúc sự không ổn định này”, ông Javid nói với BBC.

Tuy nhiên, bầu cử sớm sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Thủ tướng Johnson. Người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, cũng kêu gọi bầu cử vào năm 2017 nhằm tìm kiếm thế đa số hơn cho kế hoạch Brexit. Nhưng rồi “canh bạc” này phản tác dụng, bà May đã mất thế đa số ở Hạ viện.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.