Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đến Afghanistan vào tối 28-11 (giờ địa phương) và tuyên bố nối lại đàm phán với lực lượng nổi dậy Taliban. Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban là một trong những yếu tố quan trọng để mang lại giải pháp hòa bình cho Afghanistan.
![]() |
Tổng thống Donald Trump bất ngờ đến căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan để gặp gỡ các binh sĩ Mỹ. Ảnh: Reuters |
Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, đây là lần đầu tiên ông Donald Trump thăm Afghanistan. Hãng AFP cho biết, trong 2,5 tiếng đồng hồ ở căn cứ không quân Bagram, Tổng thống Trump phục vụ các binh sĩ Mỹ món gà tây tại nhà ăn, chụp ảnh và có bài phát biểu mừng lễ Tạ ơn. “Taliban muốn có thỏa thuận và chúng tôi sẽ gặp họ”, ông Trump phát biểu với báo giới, và cho rằng đó phải là thỏa thuận ngừng bắn. Gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, người đứng đầu Nhà Trắng cũng tuyên bố khởi động lại đàm phán hòa bình với Taliban.
Lúc làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2016, ông Trump đã bày tỏ mong muốn kết thúc sự liên quan của Mỹ đối với cuộc chiến ở Afghanistan và đưa các binh sĩ về nhà sau 18 năm điều động quân tấn công quốc gia Nam Á này. Ông Trump hiện muốn giảm số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan từ khoảng 13.000 xuống còn 8.600 người, thậm chí mức thấp hơn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Song, ông Trump lại nói rằng, Mỹ sẽ lưu lại Afghanistan “cho đến khi chúng ta đạt thỏa thuận hoặc hoàn toàn chiến thắng”.
Đầu năm nay, Washington đạt được thỏa thuận với Taliban về việc rút các binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan, khép lại cuộc chiến lâu năm nhất của cường quốc hàng đầu thế giới kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001. Tuy nhiên, đến tháng 9-2019, sau khi xảy ra một vụ đánh bom làm 12 người chết, trong đó có 1 binh sĩ Mỹ, ông Trump bất ngờ tuyên bố rằng, các cuộc đàm phán kéo dài suốt một năm qua đã “chết” và rút lại lời mời gặp mặt các đại diện Taliban tại Trại David, gần thủ đô Washington. Giờ đây, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, cuộc chiến ở Afghanistan “sẽ không được quyết định trên chiến trường”, mà cuối cùng sẽ cần một giải pháp chính trị do người dân trong khu vực quyết định.
Theo AP, nội dung thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban gồm 4 vấn đề chính: Taliban sẽ không cho phép các tay súng nước ngoài sử dụng Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ; các Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; tổ chức đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thống nhất thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn. Song, vấn đề đặt ra là Taliban vẫn từ chối đàm phán chính thức với chính phủ Afghanistan.
Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình với Taliban. Hơn 1 năm qua, trải qua nhiều vòng đàm phán, các bên liên quan cũng chưa tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề, trong đó có việc chia sẻ quyền lực và tương lai của chính phủ ở Afghanistan. Nếu đàm phán đổ vỡ sẽ để lại nhiều hệ lụy, chẳng hạn như Taliban sẽ tiếp tục gây bạo lực và Mỹ cũng không còn hy vọng đưa tất cả binh sĩ trở về nhà trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Tuần trước, Taliban trao trả 2 con tin (1 người Mỹ và 1 người Úc) và động thái này được cho là nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình. Song, Tổng thống Ghani nhấn mạnh cần ngừng bắn. “Nếu Taliban chân thành trong cam kết đạt được thỏa thuận hòa bình thì họ phải ngừng bắn”, ông Ghani nói.
Ngày 29-11, các thủ lĩnh Taliban cho biết, từ cuối tuần qua, nhóm phiến quân này tổ chức nhiều cuộc gặp với các quan chức cấp cao Mỹ ở thủ đô Doha của Qatar. Phát biểu với Reuters, Taliban khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ và “có thể sớm nối lại đàm phán hòa bình chính thức”. “Chúng tôi hy vọng chuyến thăm của ông Trump đến Afghanistan cho thấy ông ấy nghiêm túc trong việc khởi động lại đàm phán. Chúng tôi nghĩ ông ấy có nhiều sự lựa chọn”, một thủ lĩnh cấp cao của Taliban nói.
Cuộc chiến ở Afghanistan suốt 18 năm qua đã làm Mỹ tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD. Hiện có khoảng 13.000 binh sĩ Mỹ và hàng ngàn binh sĩ khác của NATO đồn trú tại Afghanistan. Khoảng 2.400 người thuộc các lực lượng Mỹ thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở Afghanistan. Dù sẽ giảm số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan còn 8.600 người, nhưng Washington vẫn thực hiện sứ mệnh chống khủng bố ở quốc gia Nam Á này, nơi Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục là mối đe dọa ngay cả khi có thỏa thuận hòa bình với Taliban. |
PHÚC NGUYÊN