Mỹ bắt đầu rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và trở thành quốc gia duy nhất đứng ngoài thỏa thuận này.
Những người biểu tình tập trung bên ngoài Nhà Trắng để phản đối quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.Ảnh: AP |
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại lời của Tổng thống Donald Trump hồi năm 2017 rằng, thỏa thuận khí hậu Paris tạo ra gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở cường quốc hàng đầu thế giới này. Ông Pompeo khẳng định, Mỹ sẽ “tiếp tục áp dụng mô hình thực tế và thực dụng” trong các cuộc đàm phán toàn cầu và sử dụng “tất cả nguồn năng lượng và công nghệ sạch, hiệu quả”.
Ông Pompeo cũng đã gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres để thông báo về quyết định của Mỹ. Tiến trình rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris kéo dài 1 năm. Theo đó, Mỹ sẽ chính thức rời thỏa thuận vào ngày 4-11-2020, tức một ngày sau khi bầu cử tổng thống, bất chấp việc cường quốc này phát thải carbon dioxide lớn thứ hai thế giới. Như vậy, Mỹ sẽ không cử phái đoàn tham dự các hội nghị thượng đỉnh của LHQ về khí hậu, trong đó có hội nghị tại Tây Ban Nha vào tháng 12 tới.
Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất dưới 2 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Tại hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) do Pháp chủ trì vào tháng 12-2015, Mỹ cùng 187 quốc gia đã đồng ý với thỏa thuận và đưa ra các cam kết khác nhau để chống lại biến đổi khí hậu. Báo The Teleraph cho hay, Mỹ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 26-28% lượng khí thải so với mức của năm 2005.
Song, đó là thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi ông Trump tranh cử tổng thống vào năm 2016, việc rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một trong những cam kết của ông. Lúc đó, ông cho rằng, thỏa thuận này sẽ khiến nước Mỹ tổn hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm, đồng thời cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và lĩnh vực sản xuất cơ khí. Khi trở thành tổng thống, tháng 6-2017, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt việc thực thi thỏa thuận không có tính ràng buộc này và cho rằng thỏa thuận khí hậu Paris đơn giản là ví dụ mới nhất của việc Washington gia nhập một hiệp định gây tổn hại cho chính nước Mỹ. Kể từ đó, ông chủ Nhà Trắng thường xuyên mô tả thỏa thuận Paris là “thảm họa hoàn toàn” và đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama. Song, ông Trump vẫn nhấn mạnh Washington sẵn sàng đàm phán lại về một thỏa thuận mới công bằng hơn cho nước Mỹ.
Nghị sĩ Robert Menendez thuộc đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng, chính phủ Mỹ một lần nữa phớt lờ mối quan ngại của các đồng minh, nhắm mắt làm ngơ thực tế và chính trị hóa những thách thức của môi trường. Nhật Bản bày tỏ cảm giác thất vọng và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó với sự ấm lên của toàn cầu. Pháp cũng“lấy làm tiếc” trước động thái của Mỹ. Trong khuôn khổ cuộc hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh ngày 6-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ký thỏa thuận chung về khí hậu, theo đó sẽ tuyên bố thỏa thuận Paris là “không thể đảo ngược”.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris là “rất tiếc” nhưng không phải là điều bất ngờ. Bà Schulze bác bỏ nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino từ động thái của Washington. “Các nước còn lại sẽ sát cánh với nhau để bảo vệ khí hậu”, bà Schulze tuyên bố và nhấn mạnh rằng, ngay cả Nga - nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng tham gia thỏa thuận.
Tháng 9 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Guterres thúc giục cộng đồng quốc tế cần đẩy nhanh hơn nữa những hành động thiết thực để cắt giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, nhất là khi có những cảnh báo rằng có thể không đạt được mục tiêu đề ra theo thỏa thuận Paris. Giờ đây, khi Mỹ chính thức quay lưng với thỏa thuận, việc đạt mục tiêu giảm khí thải carbon trên toàn cầu bằng 0 vào năm 2060 sẽ càng khó khăn hơn.
THIÊN BÌNH