Mỹ - Trung có thể gặp thượng đỉnh ở Iowa

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp gỡ tại bang Iowa (Mỹ) để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đề nghị gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Iowa để ký thỏa thuận thương mại. 						Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đề nghị gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bang Iowa để ký thỏa thuận thương mại. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, đề nghị của Tổng thống Donald Trump về việc ký thỏa thuận với Trung Quốc tại bang nông nghiệp Iowa đang tạo nên sự phấn khích ở thành phố Muscatine (Iowa) bên dòng sông Mississippi, nơi từng đón ông Tập Cận Bình 2 lần kể từ năm 1985.

Lần đầu tiên đến Muscatine, ông Tập Cận Bình dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về nông nghiệp và lưu trú tại nhà của một gia đình địa phương. Lúc đó, thành phố này có 24.000 dân. Ông Tập đã gặp gỡ Thống đốc bang Iowa Terry Branstad, hiện là Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Năm 2012, ông Tập Cận Bình trở lại Iowa trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ông đến thăm ngôi nhà năm xưa và gặp gỡ nhiều người dân địa phương. Ngôi nhà này giờ đây thuộc sở hữu của một doanh nhân Trung Quốc và được đổi tên là “Nhà hữu nghị Trung - Mỹ”, đồng thời thường xuyên đón du khách Trung Quốc.  

Theo Reuters, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để hoàn tất thỏa thuận “giai đoạn 1” sau 18 tháng căng thẳng. Thuế quan đã tác động đáng kể đến những nông dân ở Iowa, bang xuất khẩu đậu nành.

Tuần trước, chính Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng ông sẽ ký thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình tại một bang ở Mỹ, có thể là Iowa, thay thế Santiago (Chile). Địa điểm chưa được xác định chính thức, nhưng Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc nói rằng, ông Tập Cận Bình sẵn sàng đến Mỹ. Nghị sĩ của đảng Cộng hòa Mỹ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện cho rằng, Iowa là nơi tuyệt vời để ký thỏa thuận bởi nông dân nơi đây chịu tác động nặng nề từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien phát biểu với báo giới ở Bangkok (Thái Lan) rằng, Tổng thống Trump đã mời Chủ tịch Trung Quốc đến Mỹ vì thỏa thuận “giai đoạn 1”.

Hãng Reuters cũng dẫn lời các chuyên gia thương mại cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình có mối quan hệ lịch sử với Muscatine nghĩa là ông sẽ được thành phố này đón tiếp nồng nhiệt và việc ký thỏa thuận thương mại tại Iowa sẽ là thắng lợi chính trị của Tổng thống Trump. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, các bang nông nghiệp ở miền Trung và miền Tây nước Mỹ rất quan trọng trong việc giúp ông Trump tái đắc cử.

Trong khi đó, theo một quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ tại Hy Lạp, nơi ông Tập Cận Bình sẽ có mặt vào ngày 10-11. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Mỹ cho rằng, việc ký kết thỏa thuận thương mại tại Hy Lạp là điều không thể. Hiện cũng không có dấu hiệu nào cho thấy khi đón tiếp ông Tập Cận Bình, chính phủ Hy Lạp sẽ đề nghị Mỹ - Trung gặp thượng đỉnh tại quốc gia này.

Các nguồn tin của Mỹ cho hay, Washington và Bắc Kinh có thể chọn Hawaii hoặc Alaska để ký thỏa thuận. “Có một đề nghị chọn Alaska, có một đề nghị chọn Hawaii. Tôi chắc chắn người Trung Quốc sẽ đề nghị chọn chính quốc gia này”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu trên truyền hình Bloomberg ngày 4-11, đồng thời nói rằng “giai đoạn 1” sẽ là tiền thân của một loạt thỏa thuận khác mạnh mẽ hơn sau đó.

Các chuyên gia đánh giá, thỏa thuận thương mại lần này sẽ có ý nghĩa quan trọng, có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ và phần còn lại của thế giới. Mỹ đang xem xét việc rút lại mức thuế 15% có hiệu lực từ ngày 1-9 đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 112 tỷ USD, bao gồm các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng và màn hình hiển thị. Trung Quốc cũng gia tăng sức ép buộc Mỹ gỡ bỏ mức thuế nói trên. Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn Washington giảm mức thuế 25% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu, bao gồm máy móc, chất bán dẫn và đồ nội thất.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.