Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra ở London (Anh) vào ngày 4-12 tới. Song, sinh nhật 70 tuổi của NATO có thể không vui vẻ khi khối quân sự lớn nhất hành tinh đối mặt với rạn nứt và khủng hoảng.
Binh sĩ NATO thực hiện nhiệm vụ tăng cường phòng thủ cho Ba Lan. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở London, các nhà lãnh đạo của 29 thành viên sẽ nỗ lực tìm tiếng nói chung để bảo đảm sự bền vững của liên minh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời xác định phương hướng ngay trong nội bộ khối. Song, các đồng minh châu Âu của Mỹ và Canada không kỳ vọng vào Tổng thống Donald Trump sau khi ông chỉ trích Đức tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7-2018, gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và không ít lần tuyên bố sẽ rút khỏi liên minh quân sự này.
Rồi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự thất vọng về NATO. Ông Macron nói rằng, NATO đang “chết não”. Phát biểu này đã dẫn đến những phản ứng gay gắt và bị cho là châm ngòi cho căng thẳng, chia rẽ. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo Pháp đã dùng “những từ ngữ quá đáng” và không phản ánh quan điểm của Berlin về NATO. Trước Quốc hội Đức ngày 27-11, bà Merkel nhấn mạnh, việc duy trì NATO vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Tất nhiên, Tổng thống Macron không phát biểu hớ hênh. Nhận định của ông được đưa ra sau khi Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch chống người Kurd, vốn là đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các quyết định đơn phương của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại đông bắc Syria, không tham vấn NATO, vô hình trung phớt lờ vai trò của khối này. Tổng thống Macron cho rằng, sự việc này cho thấy tình trạng thiếu tư duy chiến lược của NATO và đó cũng là lý do để ông nhận định về tình trạng “chết não” của khối quân sự lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, từ phát biểu nói trên của Tổng thống Macron, rất nhiều nghi ngại đặt ra rằng, phải chăng NATO thực sự “chết não” ở tuổi 70 và cải tổ là cách để khối này vượt qua những thách thức hiện tại. Pháp và Đức hiện phác thảo những đề xuất riêng rẽ về cải tổ NATO.
Cũng theo Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Mỹ sẽ yêu cầu các đồng minh đóng góp chi phí quốc phòng nhiều hơn, thay vì để Washington gánh vác quá nhiều. Căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu về đóng góp chi tiêu quốc phòng càng minh chứng những rạn nứt khó hàn gắn của NATO. Các nhà ngoại giao châu Âu cho hay, một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự có thể đạt được trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump, mặc dù Pháp tuyên bố không tham gia thỏa thuận này. Theo đó, các đồng minh châu Âu của Mỹ, cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Canada sẽ đóng góp nhiều hơn cho tổng ngân sách 2,5 tỷ USD/năm của NATO.
So với hàng triệu USD mà các đồng minh bỏ ra cho lực lượng quân sự của chính nước mình mỗi năm, khoản đóng góp này vẫn ít ỏi. Song, các đồng minh hy vọng với “sự thỏa hiệp” như thế, ông Trump sẽ không còn nhắc đi nhắc lại tuyên bố hồi tháng 7-2018 rằng, Mỹ “trả hàng chục tỷ USD, mức quá nhiều để trợ cấp cho châu Âu”. Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho rằng, thỏa thuận là cần thiết bởi “không thể có liên minh thiếu vắng Mỹ”. Nhiều nước Đông Âu, trong đó có 3 nước Baltic là Latvia, Litva, Estonia, cùng Ba Lan, Hungary… vẫn ưu tiên duy trì quan hệ với Mỹ.
Còn Pháp có lý do để từ chối thỏa thuận nói trên. Với 30.000 binh sĩ cùng các tàu triển khai khắp thế giới, Paris cho rằng nước này làm được nhiều hơn những gì phải chia sẻ về quốc phòng. Paris duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng Pháp và rót hàng tỷ euro cho công việc nghiên cứu quốc phòng. Song, Paris không ngăn cản thỏa thuận mà chỉ “bỏ phiếu trắng”. Ngoài ra, Tổng thống Macron còn muốn thúc đẩy xây dựng lực lượng quân sự chung châu Âu, từng bước giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Theo đề xuất về ngân sách quốc phòng cho NATO năm 2021, mức đóng góp của Mỹ sẽ giảm từ 22% xuống còn 16%. Đức tăng lên 16% và các nước khác cũng gia tăng. Hiện chỉ có 7 thành viên NATO đáp ứng hoặc vượt quá mục tiêu đóng góp 2% GDP cho quốc phòng, bao gồm: Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia.
PHÚC NGUYÊN