Serbia khó chọn giữa Nga và phương Tây

.

Serbia đang cố gắng duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga. Song, trước sức ép của phương Tây, Serbia rơi vào thế khó nếu phải chọn xích lại gần bên nào.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (giữa, hàng trước) trong một lần gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (bìa phải) tại Mladenovac, Serbia.                                                Ảnh: Getty Images
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (giữa, hàng trước) trong một lần gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (bìa phải) tại Mladenovac, Serbia. Ảnh: Getty Images

Hãng Reuters cho biết, kể từ tháng 10-2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của NATO, đề nghị dừng việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU) và kêu gọi “mối quan hệ chiến lược mới” với Nga. Serbia nhận ra rõ sự thay đổi trong hướng tiếp cận của Pháp. Vậy  Serbia - quốc gia đông nam châu Âu sẽ duy trì mối quan hệ với Nga, hay tiếp tục xích lại gần EU và NATO?

NATO không giấu ý định mở rộng ảnh hưởng tại vùng Balkan. Theo Reuters, cũng như Baltic, Balkan được NATO xem là bức tường rào chống lại ảnh hưởng của Nga. Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tuần tới tại thủ đô London (Anh) sẽ bàn thảo về tương lai của liên minh quân sự lớn nhất thế giới, trong đó đề cập đến các nước Balkan khi NATO hy vọng có thêm thành viên ở khu vực này. “NATO nỗ lực thúc đẩy sự ổn định, an ninh và hợp tác ở Tây Balkan”, hãng Reuters dẫn lời một quan chức NATO nói.

Serbia hiện vẫn đứng ngoài NATO, nhưng đang hướng đến trở thành thành viên EU. Belgrade luôn từ chối ký các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Tuần trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic chỉ đạo điều tra về đoạn video ghi lại cảnh một sĩ quan tình báo Nga trao tiền cho một cựu thành viên quân đội Serbia tại Belgrade. Tuy nhiên, Tổng thống Vucic nói rằng, vụ gián điệp sẽ không làm tổn hại mối quan hệ song phương và ông chắc chắn Tổng thống Vladimir Putin “không được thông báo về sự việc này”.

Giữa tháng 10 vừa qua, Tổng thống Pháp Macron từ chối cho Albania và Bắc Macedonia, hai quốc gia láng giềng của Serbia, bắt đầu đàm phán gia nhập EU. Ông Macron giữ quan điểm cứng rắn rằng, không muốn EU có thêm thành viên mới cho đến khi khối này hoàn tất cải cách và cải tiến các thủ tục kết nạp thành viên. Trong lúc đó, ngoài Serbia thì Bosnia, Kosovo, Montenegro cũng đang nỗ lực gia nhập EU. Theo Reuters, Serbia đã bắt đầu tiến trình đàm phán về tư cách thành viên EU, nhưng giờ đây cảm thấy lo ngại khi ông Macron từ chối mở cánh cửa của liên minh gồm 28 thành viên cho các nước khác.

Đối với NATO, Serbia giữ quan điểm trung lập bởi ký ức về vụ đánh bom của liên minh quân sự này trên lãnh thổ Serbia trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999 vẫn còn đó. Serbia tham gia các cuộc tập trận của NATO nhưng quân đội nước này có mối quan hệ với Nga và được Moscow cung cấp công nghệ, hỗ trợ vũ khí như máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và các loại vũ khí khác. Thời gian gần đây, Moscow còn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 ở Serbia để tập trận Slavic Shield 2019.

Theo các nhà quan sát, sự ủng hộ của Serbia đối với Nga một phần do Moscow luôn phủ quyết việc Kosovo gia nhập Liên Hợp Quốc. Serbia vốn không thừa nhận sự độc lập của Kosovo, từng là một tỉnh của nước này. Hơn nữa, đường ống Turkstream cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu dự kiến sẽ bỏ qua Ukraine mà chạy qua Bulgaria, Serbia trước khi đến Hungary và cung cấp cho Đức, Áo cũng như các nước khác. Bởi vậy, Serbia muốn duy trì mối quan hệ tốt với Moscow, đồng thời thuyết phục Brussels rằng họ đang làm điều cần làm để trở thành một thành viên EU và không xa lánh NATO.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.