Nước Anh sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử với sự cạnh tranh sít sao giữa hai đảng lớn nhất: đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng. Tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ hiện sụt giảm đáng kể và sự vươn lên của Công đảng dự báo nhiều khả năng xảy ra tình trạng Quốc hội “treo”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái, hàng trước) đến cầu London, nơi xảy ra vụ tấn công làm 2 người chết. Ảnh: Reuters |
Thăm dò do báo The Independent thực hiện cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson hiện dẫn trước Công đảng 6 điểm phần trăm, sụt giảm từ khoảng cách 13 điểm phần trăm cách đây 1 tuần. Cụ thể, đảng Bảo thủ có tỷ lệ ủng hộ là 39%, còn Công đảng là 33%. Việc Công đảng của ông Jeremy Corbyn đang giành lại sự ủng hộ của cử tri có thể làm suy yếu vị thế của đảng Bảo thủ cầm quyền và dự báo Quốc hội có thể rơi vào tình trạng “treo” nếu không đảng nào giành đa số ghế trong cơ quan lập pháp 650 ghế. Ngoài ra, các đảng nhỏ hơn: đảng Dân chủ Tự do, đảng Brexit, đảng Xanh cũng có những thay đổi về tỷ lệ ủng hộ.
Theo ông Robert Struthers, lãnh đạo hãng nghiên cứu - tư vấn BMG, những gì đang diễn ra cho thấy Công đảng bắt đầu tạo đà lớn trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 12-12. Ông Struthers cũng nhận định về khả năng Quốc hội “treo” và kịch bản này sẽ làm khó cho tiến trình Brexit vốn đã quá rối rắm. Thủ tướng Johnson dĩ nhiên không mong muốn Quốc hội “treo” bởi ông cần thúc đẩy thỏa thuận Brexit đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU). “Chúng tôi cần một chính phủ hành động”, ông Johnson nói.
Song, chính trường Anh giờ đây “nóng” lên sau vụ tấn công khủng bố bằng dao trên cầu London ngày 29-11 khiến 2 người chết và 3 người khác bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm và tuyên bố thực hiện vụ việc nhằm vào các nước tham gia liên minh quốc tế chống nhóm thánh chiến này. Thủ phạm Usman Khan từng nhận án tù vào năm 2012 vì tội khủng bố nhưng được trả tự do hồi tháng 12 năm ngoái. Đảng Bảo thủ, Công đảng và đảng Dân chủ Tự do đã hoãn các sự kiện trong chiến dịch tranh cử để tưởng niệm các nạn nhân, đồng thời lên án vụ tấn công. Thành ra vấn đề luật và trật tự ở Anh trở thành một trong những nội dung chính của cuộc tổng tuyển cử.
Theo Reuters, cử tri đang chuyển mối quan tâm từ Brexit sang an ninh; các đảng cũng chuyển hướng của cương lĩnh tranh cử sang vấn đề an ninh trong lúc nước Anh từ đầu tháng 11 đã hạ cấp độ cảnh báo khủng bố quốc gia từ mức “nghiêm trọng” xuống “đáng kể”.
Theo hãng Bloomberg, thay vì tiếp tục tuyên truyền cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ là hoàn tất nhiệm vụ đưa Vương quốc Anh rời EU và kiến tạo một nước Anh mới, Thủ tướng Johnson ngày 30-11 cam kết nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông sẽ áp dụng án phạt ít nhất 14 năm tù đối với những tội phạm khủng bố nghiêm trọng, một số đối tượng sẽ không bao giờ được thả và bãi bỏ việc trả tự do sớm cho những tội phạm khủng bố. Ông Johnson cũng tuyên bố sẽ xem xét lại chính sách an ninh, quốc phòng và ngoại giao của Anh.
Trong lúc đó, ông Jeremy Corbyn không bác bỏ việc phóng thích sớm tù nhân bị kết tội khủng bố, nhưng cho rằng cuộc chiến chống khủng bố của chính phủ đã thất bại. Ông Corbyn gọi vụ tấn công là thảm họa và kêu gọi điều tra toàn diện cách thức vận hành hệ thống tư pháp. Ông Corbyn cũng muốn chính phủ tập trung gia tăng chi phí cho các cơ sở giam giữ và bất kỳ ai được phóng thích sớm cũng phải trải qua đánh giá tâm lý để xem họ có phải là mối đe dọa hay không.
Người phát ngôn về các vấn đề ngoại giao của đảng Dân chủ Tự do Chuka Umunna chỉ trích hai đảng lớn đang biến vụ tấn công khủng bố thành “quả bóng chính trị”. Thay vào đó, theo ông Umunna, đảng Bảo thủ, Công đảng và đảng Dân chủ Tự do nên nhìn nhận lỗi do hệ thống tư pháp.
Các đảng sẽ còn tranh cãi, công kích nhau để thu hút lá phiếu của cử tri, nhất là những người chưa quyết định ủng hộ đảng nào. Song, lúc này chưa thể nói gì về bức tranh tương lai chính trị của nước Anh mặc dù Thủ tướng Johnson vẫn cam kết sẽ rời EU muộn nhất vào ngày 31-1-2020.
VĨNH AN