NATO tìm hướng đi mới

.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại ngoại ô London (Anh) ngày 3 và 4-12 sẽ bàn thảo về hàng loạt vấn đề: kinh tế, an ninh, mối đe dọa từ không gian mạng, khủng bố, nội chiến 8 năm ở Syria, sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc… Song, với sự chia rẽ và rạn nứt ở tuổi 70, NATO sẽ khó tìm được tiếng nói chung.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) vào năm ngoái. 		Ảnh: CNN
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) vào năm ngoái. Ảnh: CNN

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến London vào tối 2-12 và sẽ có hàng loạt cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg; tham dự các buổi ăn trưa và làm việc với các đại diện đến từ Estonia, Hy Lạp, Latvia, Ba Lan, Romania, Lithuania, Bulgaria, Vương quốc Anh.

Các quan chức Mỹ nói rằng, hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm NATO tròn 70 tuổi là dịp để ông Trump yêu cầu các nước chi 2% GDP đóng góp cho ngân sách quốc phòng của khối, thay vì để Mỹ gánh quá nhiều. Hiện chỉ có 8/29 thành viên đáp ứng mục tiêu. Các nước cam kết sẽ đạt mức 2% GDP vào năm 2024 nhưng hầu như không có kế hoạch thực hiện. Chính phủ Mỹ kỳ vọng 18/29 thành viên sẽ đạt được mức này. Năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) đi chệch hướng khi Tổng thống Trump chỉ trích Thủ tướng Đức Merkel về việc Berlin đóng góp quá ít.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho hay, ông Trump cũng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên đến từ Bắc Mỹ và châu Âu gia tăng áp lực lên Trung Quốc khi “Bắc Kinh chủ động mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng trên toàn cầu, trong đó có khu vực thuộc trách nhiệm của NATO”.

Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden cảnh báo, nếu ông Trump tái đắc cử vào năm 2020 thì sẽ không có NATO. Trong lúc đó, Tổng thống Pháp Macron nhận định, liên minh quân sự hàng đầu thế giới này đang “chết não”. Còn khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch ở đông bắc Syria hồi tháng 10 vừa qua mà không tham vấn Mỹ và châu Âu, các nhà phân tích cho rằng, động thái “vượt rào” của Ankara là bằng chứng về việc NATO hoạt động thiếu hiệu quả.   

Các thách thức hiện nay với NATO đến từ nội bộ khối, đáng nói nhất là sự thay đổi chiến lược của Mỹ. Thế nhưng, Tổng thống Trump không hài lòng về phát biểu của người đồng cấp Macron. Hàm ý của ông chủ Điện Élysée là NATO rơi tình trạng “chết não” do thiếu sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu; đồng thời không thể tiếp tục trông chờ vào Washington.

Trang Axios của Mỹ ngày 2-12 cho rằng, nhận định của ông Macron có thể làm ông Trump giờ đây có cái nhìn tích cực hơn về NATO, thay vì nói liên minh này “già cỗi” và “lỗi thời”, thậm chí nhiều lần muốn rút Washington khỏi cỗ máy quân sự hùng mạnh. Minh chứng rõ nhất là Mỹ vừa chính thức “bật đèn xanh” đồng ý Bắc Macedionia gia nhập NATO, đưa quốc gia Baltic tiến gần thêm tư cách là thành viên chính thức thứ 30 của liên minh quân sự. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, tất cả nội dung bàn thảo trong hai ngày ở ngoại ô London sẽ bị “phủ bóng” bởi quan điểm của Mỹ và việc ưu tiên cải cách khối quân sự vốn được xem là “thành trì bảo vệ hòa bình thế giới”.

Cựu Đại sứ Anh tại NATO Adam Thomson cho rằng, khối này đang theo đuổi một tầm nhìn mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh để thích nghi với môi trường mới. Theo các nhà quan sát, những thách thức lớn đặt ra từ sự bất đồng và xung đột lợi ích là điều không thể tránh khỏi và NATO cần một thượng đỉnh thành công ở London để tìm ra hướng đi mới. Song, hãng AFP dẫn lời một nhà ngoại giao dự báo sẽ không có tuyên bố chính thức của tất cả 29 nhà lãnh đạo, nhưng có “tuyên bố ngắn về câu chuyện thành công của NATO”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.