Quan hệ Anh - EU chông chênh hậu Brexit

.

Sau thắng lợi lớn của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử ngày 12-12, giờ không còn là lúc tranh cãi về Brexit nữa, mà mối quan tâm chính là quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Boris Johnson muốn giai đoạn chuyển tiếp với EU chỉ kéo dài 11 tháng.  Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Boris Johnson muốn giai đoạn chuyển tiếp với EU chỉ kéo dài 11 tháng. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang trải qua 100 ngày đầu tiên sau bầu cử với đầy ắp công việc: cải tổ nội các, thành lập chính phủ mới; thúc đẩy thông qua thỏa thuận Brexit tại Quốc hội trước Giáng sinh để đưa Vương quốc Anh rời EU vào ngày 31-1-2020; xác định mối quan hệ với EU sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối tháng 12-2020; công bố dự toán ngân sách và hàng loạt chính sách khác... Một mùa Giáng sinh bận rộn, “tuần trăng mật” của ông Johnson là hàng loạt kế hoạch cần được thực hiện, trong đó quan trọng nhất và ưu tiên hàng đầu vẫn là những vấn đề liên quan Brexit. “Tôi muốn mọi người chuẩn bị Giáng sinh của mình, vui mừng và yên tâm vì có một chính phủ của dân. Chính phủ đang nỗ lực để năm 2020 sẽ là một năm thịnh vượng, phát triển và tràn đầy hy vọng”, ông Johnson nói.

Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Johnson cải tổ nội các vào ngày 16-12 và chính phủ nhóm họp lần đầu vào ngày 17-12. Vài ngày tới, ông sẽ chào đón 109 nghị sĩ của đảng Bảo thủ đến trụ sở Quốc hội để tuyên thệ nhậm chức. Tháng 2-2020, chính phủ sẽ bắt đầu đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do với EU. Hãng Bloomberg nhận định, với việc đảng Bảo thủ chiếm đa số, ông Johnson làm chủ bức tranh chính trị ở London.

Dù con đường Brexit thuận lợi hơn nhưng rất nhiều thách thức đặt ra, trong đó quan trọng là mối quan hệ giữa Anh với EU thời hậu Brexit. Nhiều câu hỏi được đặt ra: mối quan hệ này sẽ ra sao, được định hình trên những yếu tố nào? EU có cho Anh tiếp cận thị trường khi xứ sở sương mù không còn là thành viên của “mái nhà chung”?

Yahoo Finance dẫn báo cáo của Viện Chính phủ (IfG) công bố ngày 16-12 cho rằng, nếu có những bài học từ tiến trình Brexit, Anh có thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU trong giai đoạn chuyển tiếp, tức trước khi kết thúc năm 2020. Ông Raoul Ruparel, cựu cố vấn cấp cao của cựu Thủ tướng Anh Theresa May - người tiền nhiệm của ông Johnson - lập luận trong báo cáo rằng một thỏa thuận thương mại tự do “hẹp” với EU có thể được thực hiện vào cuối năm 2020, dù có những hoài nghi về tính khả thi của đàm phán và việc phê chuẩn thỏa thuận này.

Chính phủ đang nỗ lực để năm 2020 sẽ là một năm thịnh vượng, phát triển và tràn đầy hy vọng”

Thủ tướng Anh Boris Johnson

Trong khi đó, theo quan điểm của EU và các chuyên gia Anh, 11 tháng đàm phán sẽ là giai đoạn cực kỳ khó khăn để hoàn tất một thỏa thuận, thậm chí đây là điều không thể. Anh có thể không đạt được thỏa thuận thương mại với EU, hoặc chỉ đạt được một thỏa thuận có giới hạn, và Brexit sẽ bước vào cuộc khủng hoảng mới. Thủ tướng Johnson muốn thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU gồm những điểm như: thỏa thuận này nằm ngoài thị trường đơn lẻ EU và liên minh thuế quan EU, hoàn toàn tự do tách khỏi các quy chuẩn của EU.

Liên minh 27 thành viên sẽ không để Anh dễ dàng tiếp cận thị trường chung châu Âu nếu ông Johnson đưa ra các quy định về thương mại khác biệt so với những quy định hiện hành của khối. Phía EU đang muốn gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thêm 2-3 năm, thay vì gói gọn trong 11 tháng. Tuy nhiên, ông Johnson không muốn kéo dài hơn nữa để sau năm 2020, nước Anh sẽ bước vào một trang khác với những chính sách thương mại mới. Ông đã tuyên bố, nước Anh sẽ không “cúi đầu” trước các quy tắc của EU để đối lấy thỏa thuận thương mại. Thực chất, mối quan hệ giữa Anh và EU không đơn thuần về thương mại, mà còn có cả những yếu tố địa chính trị. Đó cũng là lý do vì sao tiến trình Brexit lại đầy chông gai như thế hơn 3 năm qua.

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson còn phải đối mặt với nguy cơ nước Anh có thể bị phân rẽ khi đảng Dân tộc Scotland (SNP) sẽ gia tăng sức ép yêu cầu tiến hành trưng cầu dân ý đòi độc lập lần hai. Chủ tịch SNP Nicola Sturgeon nói rằng, cuộc bầu cử trao cho bà sứ mệnh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để Scotland trở thành quốc gia độc lập. Hơn nữa, một thách thức khác là thỏa thuận Brexit sẽ kích động những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland tiến hành trưng cầu dân ý về thống nhất trên đảo Ireland.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.