Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc bảo vệ Ba Lan và các nước Baltic nếu liên minh quân sự này không xem các chiến binh người Kurd là nhóm khủng bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) có thể gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh. Ảnh: AP |
“Tối hậu thư” với NATO đã được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra từ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự gồm 29 thành viên ở ngoại ô London (Anh). Ngày 3-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định sẽ từ chối ký kế hoạch bảo vệ Ba Lan và Baltic nếu NATO không ủng hộ chiến dịch của Ankara ở đông bắc Syria nhằm chống lại Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và chính thức xem lực lượng người Kurd là khủng bố. Hãng Reuters cho rằng, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ càng làm gia tăng những hoài nghi về tương lai chính trị của NATO.
Tổng thống Erdogan cho biết, ông đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và dự kiến gặp nhà lãnh đạo này cùng các lãnh đạo của những nước Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) tại London. Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, Anh cũng có những cuộc gặp riêng rẽ bên lề hội nghị.
Trong lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kế hoạch của NATO. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại Điều 5 về phòng vệ tập thể của NATO, từng được kích hoạt sau vụ khủng bố 11-9-2001. Điều 5 quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một thành viên của NATO cũng là hành động tấn công cả khối. Kế hoạch phòng thủ Ba Lan và Baltic được NATO vạch ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO không ký, liên minh quân sự sẽ không thể thông qua kế hoạch này.
YPG là thành phần quan trọng trong Lực lượng dân chủ Syria (SDF). Trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), SDF là đồng minh của Mỹ, nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Cả Washington lẫn Ankara đều gọi PKK là nhóm khủng bố. Song, Mỹ sẽ không xem YPG là khủng bố và “tối hậu thư” của Thổ Nhĩ Kỳ gây khó cho NATO. Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi đông bắc Syria đã làm dấy lên những chỉ trích rằng Mỹ phản bội đồng minh. Vì vậy, Washington sẽ không biến đồng minh thành những kẻ khủng bố.
Theo hãng Bloomberg, sự rạn nứt trong nội bộ NATO không chỉ do những thách thức xuất phát từ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà còn từ chính một thành viên quan trọng - Thổ Nhĩ Kỳ. Trong Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là “bức tường thành” của phương Tây. Nhưng nay Tổng thống Erdogan kiên quyết với “chương trình nghị sự riêng”, cũng như ông từng phớt lờ yêu cầu của NATO về việc dừng thương vụ S-400 với Nga.
Tại Anh, Tổng thống Erdogan có thể gặp gỡ Tổng thống Trump mặc dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vừa có chuyến thăm Washington hồi tháng trước. Phát biểu với báo giới ngày 3-12 ở London, ông Trump nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng của Mỹ, đặc biệt trong cuộc chiến chống IS, nhưng lịch chính thức của ông chủ Nhà Trắng tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO không có chương trình nghị sự cùng ông Erdogan. Theo các nhà quan sát, mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ cũng thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo NATO, nhất là căng thẳng giữa hai nước xung quanh thương vụ S-400 và F-35. Quốc hội Mỹ đang gia tăng áp lực trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, nhưng ông Trump không muốn trừng phạt đồng minh.
Thay vào đó, ông Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về phía Nga. Các nước châu Âu trong NATO cũng dự kiến trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mở chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, việc trừng phạt Ankara là không dễ. Hơn nữa, trừng phạt hay đe dọa đều không phải là giải pháp để cứu vãn một NATO đang rệu rã và châu Âu đang phải tự tìm lối đi cho mình, chứ không thể trông chờ vào khả năng phòng vệ tập thể của cỗ máy quân sự 29 thành viên.
PHÚC NGUYÊN