Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi ngày 30-11 (giờ địa phương) chính thức đệ đơn từ chức lên Quốc hội trong lúc ông chịu nhiều sức ép từ các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Người dân Iraq tổ chức tang lễ cho một trong những người chết do xung đột giữa dòng người biểu tình và lực lượng an ninh ở Baghdad. Ảnh: Getty Images |
Quyết định của ông Mahdi được đưa ra sau khi Đại giáo chủ dòng Hồi giáo Shi’ite của Iraq, ông Ali al-Sistani thúc giục Quốc hội ngừng ủng hộ nội các. Hãng AP cho biết, trong bài phát biểu, ông Mahdi nói rằng, sau khi Quốc hội công nhận việc từ chức của ông, chính phủ và cả ông sẽ nắm quyền tạm thời, không thể thông qua luật mới hay có những quyết định quan trọng cho đến khi có thủ tướng mới.
Tuy nhiên, theo AFP, những người biểu tình chống chính phủ vẫn đổ xuống đường phố Baghdad và khu vực miền nam có đông người Shiite sinh sống, yêu cầu cải tổ toàn diện hệ thống chính trị để chấm dứt tình trạng tham nhũng và sự can dự của nước ngoài. “Việc ông Mahdi từ chức chỉ là bước đầu tiên, giờ đây phải sa thải và xét xử tất cả các quan chức tham nhũng”, những người biểu tình nói.
Biểu tình bùng phát từ đầu tháng 10 nhằm phản đối các dịch vụ công yếu kém, tình trạng thất nghiệp và tham nhũng gia tăng. Lực lượng an ninh và cả các nhóm vũ trang đã dùng bạo lực chống lại những người biểu tình, làm hơn 420 người chết và 15.000 người khác bị thương. Hội đồng Tư pháp Tối cao Iraq đã thành lập ủy ban điều tra bất ổn và cam kết trừng phạt những ai tấn công đoàn người biểu tình. Song, điều mà người dân Iraq chờ đợi hơn cả là cuộc chuyển giao hòa bình và sự thay đổi thật sự ở một đất nước giàu dầu mỏ.
THIÊN BÌNH