Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, CHDCND Triều Tiên đã thể hiện rõ cánh cửa đàm phán với Mỹ không đóng lại mặc dù Bình Nhưỡng chỉ trở bàn nghị sự khi các yêu cầu của họ được chấp nhận.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay thân mật với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) ở khu vực biên giới liên Triều ngày 30-6-2019. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp báo đầu năm mới 2020 vào ngày 14-1 được truyền hình trực tiếp từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Moon Jae-in bày tỏ lạc quan về mối quan hệ liên Triều và Mỹ - Triều, dù ông cho rằng còn quá sớm để nói về khả năng nối lại đàm phán Trump - Kim. Tổng thống Moon nhấn mạnh: Sau khi Mỹ phớt lờ “thời hạn cuối” (ngày 31-12-2019) mà Triều Tiên đặt ra để Washington có sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân, Bình Nhưỡng không thử vũ khí và cũng không đóng cửa đối thoại. “Triều Tiên đã thể hiện rõ, cánh cửa đàm phán không đóng lại mặc dù nước này chỉ trở lại bàn nghị sự khi các yêu cầu của họ được chấp nhận”, ông Moon Jae-in nói.
Trong khi đó, hãng Reuters dẫn tuyên bố của Triều Tiên cho hay, Bình Nhưỡng đã nhận được lời chúc mừng sinh nhật của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng quan hệ cá nhân giữa hai ông không đủ để nối lại đối thoại. Đàm phán Mỹ - Triều bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước lần hai ở Việt Nam hồi tháng 2-2019. Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông Trump và ông Kim vào tháng 6-2019 tại khu vực biên giới liên Triều và đàm phán cấp chuyên viên vào tháng 10-2019 ở Thụy Điển cũng không cứu vãn được tình hình.
Giờ đây, theo Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc sẽ không ngồi yên chờ đợi kết quả đàm phán Mỹ - Triều, mà cần mở rộng tối đa hợp tác liên Triều. Mối quan hệ liên Triều tốt đẹp không chỉ “dọn đường” cho Mỹ - Triều đối thoại, mà còn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong việc nới lỏng một phần lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Cụ thể, Hàn Quốc sẽ tìm kiếm các biện pháp thiết thực để mở rộng hơn nữa hợp tác liên Triều, bao gồm nối lại các dự án hợp tác đang bị đình chỉ ở núi Kumgang, cũng như các tuyến giao thông đường bộ và đường sắt qua biên giới.
Theo Reuters, hồi năm 2019, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng, ông sẽ thúc đẩy việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc để nối lại các dự án kinh tế liên Triều. Cũng trong năm 2019, Triều Tiên chỉ trích nước láng giềng Hàn Quốc quá lệ thuộc vào Mỹ và đe dọa san phẳng tổ hợp du lịch - một trong những biểu tượng hiếm hoi về sự hợp tác giữa hai miền. Tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien “bật đèn xanh” khi cho biết, Mỹ muốn nối lại đàm phán với Triều Tiên. Ngày 13-1, tại California, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng ông Kim Jong-un sẽ có quyết định đúng mặc dù tiến triển đàm phán về hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng rất chậm. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ thành công vào năm 2020”, ông Pompeo nói.
Các nhà quan sát cho rằng, dù Tổng thống Moon Jae-in là trung gian hòa giải Mỹ - Triều, nhưng hiện chưa rõ ông có thể vận động dỡ bỏ trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay không. Cuối năm 2018, khi Hàn Quốc khẳng định, nước này xem xét dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Triều Tiên, Tổng thống Trump phản hồi rằng, “Seoul đã làm mà không cần chúng tôi đồng ý”. Thậm chí, theo một số chuyên gia, Triều Tiên tức giận Hàn Quốc bởi cho rằng các bước ngoại giao của ông Moon lãng phí thời gian và Seoul nhượng bộ Washington quá nhiều trong đàm phán.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha từng cho biết, nước này sẽ chọn phương án thúc đẩy những cuộc đối thoại 3 bên (Mỹ - Hàn - Triều) để nối lại đàm phán Mỹ - Triều. Mới đây, ông Kim Jong-un cảnh báo không lý do gì để hoãn các vụ thử tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo và Triều Tiên sẽ phô diễn “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần. Vậy thì, theo giới quan sát, cánh cửa đàm phán Mỹ - Triều dù vẫn mở nhưng hai bên khó có thể ngồi vào bàn để tìm tiếng nói chung, nhất là trước thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Ngày 14-1, tờ Minju Joson - nhật báo của chính phủ Triều Tiên - kêu gọi một cuộc chiến “sống hoặc chết” chống lại cái mà nước này gọi là những lệnh trừng phạt “chưa từng có”, đồng thời cho rằng chiến dịch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên đã vượt quá giới hạn. |
PHÚC NGUYÊN