Cả Mỹ lẫn Iran đều có những tín hiệu cho thấy không bên nào muốn đẩy căng thẳng leo thang. Song, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ trừng phạt kinh tế, thay vì dùng tên lửa nhằm vào Iran. Ảnh: Reuters |
Phát biểu của Tổng thống Donald Trump vào tối 8-1 làm “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Mỹ với Iran sau khi Tehran nã hàng chục tên lửa vào 2 căn cứ của Washington ở Iraq. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, nước ông không cần thiết đáp trả hành động của Iran bởi không có người Mỹ nào bị thương trong những vụ nã tên lửa đó cả. “Thực tế chúng tôi có quân sự và trang thiết bị hùng mạnh, nhưng không có nghĩa chúng tôi phải sử dụng. Chúng tôi không muốn dùng chúng. Sức mạnh của Mỹ, cả về quân sự lẫn kinh tế, là yếu tố ngăn chặn tốt nhất”, hãng Reuters dẫn lời ông Trump nhấn mạnh và khẳng định lực lượng Mỹ đã chuẩn bị cho mọi tình huống.
Đúng như dự đoán của giới quan sát, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Iran, thay vì dùng tên lửa; đồng thời nói rằng các quốc gia còn lại trong nhóm P5+1 phải thừa nhận rằng thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) đã thất bại và việc rút khỏi thỏa thuận là cần thiết.
Theo báo USA Today, sau khi Iran tấn công 2 căn cứ quân sự Mỹ để trả thù cho Thiếu tướng Qassem Soleimani, giới quan sát đặt ra câu hỏi: Tổng thống Trump muốn điều gì xảy ra? Mỹ đã vướng vào 3 cuộc xung đột phức tạp ở Trung Đông: Afghanistan, Iraq và Syria. Ông Trump cũng nhiều lần cam kết đưa quân đội về nhà. Vậy thì ông có tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang không? “Iran dường như đang xuống thang. Đây là điều tốt cho tất cả các bên liên quan và rất tốt cho cả thế giới”, ông Trump nói.
Hãng AP nhận định, tuy nói “Iran dường như đang xuống thang”, nhưng chính ông chủ Nhà Trắng cũng muốn như vậy. Việc từ chối hành động quân sự để trả đũa Iran phù hợp với chính sách ngoại giao của ông Trump: phát biểu cứng rắn nhưng tránh xa xung đột vũ trang. Hạ viện Mỹ ngày 9-1 (giờ địa phương) tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết nhằm ngăn ông Trump phát động chiến tranh với Iran.
Về phía Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter rằng, Tehran không tìm kiếm căng thẳng leo thang hay chiến tranh, mà chỉ phòng vệ trước bất kỳ sự gây hấn nào. Song, ngày 9-1, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Ravanchi bác bỏ lời kêu gọi hợp tác của Tổng thống Trump và cho rằng đề nghị này là “không đáng tin” trong lúc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Iran dường như đang xuống thang. Đây là điều tốt cho tất cả các bên liên quan và rất tốt cho cả thế giới” Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Các nguồn tin của Mỹ và chính phủ châu Âu cho rằng, Iran đã cố tình tránh gây thương vong cho quân đội Mỹ, mặc dù hành động quân sự “ăn miếng trả miếng” của Tehran sau nhiều tháng căng thẳng kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA làm dấy lên quan ngại về nguy cơ Trung Đông bị cuốn vào một cuộc chiến tranh khác. Cả Mỹ lẫn Iran đều ở bên bờ chiến tranh, trong khi Arab và các nhà lãnh đạo quốc tế khác kêu gọi kiềm chế. Các đồng minh của Mỹ ở Vịnh Persia vốn lớn tiếng thúc đẩy các chính sách cứng rắn của Mỹ nhằm vào Iran, nhưng giờ đây cũng muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện. “Không ai muốn bùng nổ chiến tranh thông thường/chiến tranh quy ước, bởi khi một cuộc chiến tranh như vậy xảy ra thì không có người chiến thắng, chỉ có hàng loạt người thua cuộc”, Tổng Biên tập trang tin tức Al-Arabiya bằng tiếng Anh, Mohammed Alyahya nói.
Bảo đảm an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam tại Trung Đông Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 9-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra bình luận của Việt Nam về căng thẳng Mỹ - Iran trong thời gian gần đây và công tác bảo hộ công dân tại khu vực Trung Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan ngại trước những căng thẳng gần đây tại Trung Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng, không sử dụng vũ lực, bảo vệ thường dân, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam tại Trung Đông, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, ngày 8-1, Bộ Ngoại giao ra thông báo khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế đến các nước trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của xung đột; lưu ý các công dân đang có mặt tại các nước bị ảnh hưởng tránh đến các khu vực đã được nước sở tại khuyến cáo, thường xuyên theo dõi và bám sát hướng dẫn của các cơ quan chức năng sở tại để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của bản thân. Bộ Ngoại giao công bố đường dây nóng bảo hộ công dân của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực, các đơn vị liên quan trong Bộ tại khu vực để công dân liên lạc trong trường hợp cần trợ giúp. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện trong khu vực, các đơn vị liên quan trong nước theo dõi sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. TTXVN |
PHÚC NGUYÊN