Biến đổi khí hậu và việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, là những thách thức lớn nhất mà “lục địa già” phải đối mặt trong năm 2020.
Quảng trường St Mark ở thành phố Venice (Ý) ngập nước vì lũ lụt hồi tháng 11-2019. Ảnh: AFP |
Bên cạnh đó là hàng loạt thách thức khác: ngân sách thời hậu Brexit, việc mở rộng thành viên, mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương…
Cần phản ứng phối hợp mạnh mẽ
Hãng AP cho biết, những cơn bão bất thường quét qua Pháp, Hy Lạp và Ý vào những ngày tháng 11-2019, phá hủy cơ sở hạ tầng ở những nước này; hay bão đổ vào Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong tháng 12-2019, đánh dấu tác động khắc nghiệt của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến quan điểm và chính sách chống biến đổi khí hậu của EU. Giới chức Brussels khẳng định muốn dành sự nỗ lực và tiền bạc để thực hiện các biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD dẫn khí đốt từ Nga đi dưới biển Baltic và nối thẳng sang Đức, Mỹ trừng phạt các công ty tham gia lắp đặt đường ống cho dự án này. Trước sức ép của Mỹ, Công ty Allseas của Thụy Sĩ đã rút các tàu lắp đặt đường ống khỏi dự án. Hãng AP cho rằng, động thái của Mỹ cho thấy mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia thuộc EU và Washington ngày càng kém “nồng ấm”. Trong khi đó, cuộc bầu cử ngày 12-12-2019 ở Anh đã mang lại thắng lợi áp đảo cho đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson. Đảng này chiếm đa số ghế trong Quốc hội, rộng đường để Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời EU vào ngày 31-1-2020.
Giới quan sát cho rằng, tất cả những thách thức nói trên cần một phản ứng phối hợp mạnh mẽ của EU nếu liên minh gồm 27 thành viên còn lại muốn tạo tác động toàn cầu lớn hơn. Trong thông điệp đầu năm mới 2020, Thủ tướng Angela Merkel của Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU nhấn mạnh: “Châu Âu phải gia tăng tiếng nói mạnh mẽ hơn trên thế giới”.
Nội khối còn nhiều bất đồng
Song, trụ sở của EU ở Brussels hiện bị “phủ bóng” với những cuộc tranh cãi về mức đóng góp ngân sách cho liên minh giai đoạn 2021-2027. Theo kế hoạch ngân sách đã được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua, ngân sách của khối giai đoạn 2021-2027 dự kiến là 1.000 tỷ EUR, chiếm 1,1% sản lượng kinh tế của EU. Theo đó, EC yêu cầu tăng các khoản đóng góp của các nước thành viên, hiện ở mức trần 1% GDP, lên khoảng 1,1 - 1,2% GDP trong giai đoạn 2021-2027, cũng nhằm bù đắp cho khoảng trống mà Anh để lại sau khi rời EU. Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli nhấn mạnh, cần sớm có thỏa thuận ngân sách để tránh trì hoãn việc thực thi các chương trình và chính sách của khối. Tuy nhiên, hãng AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, năm 2020, việc tập trung nhiều vào vấn đề ngân sách phức tạp sẽ có thể khiến EU “giậm chân tại chỗ” về nhiều phương diện: thương mại, ngoại giao, viện trợ..., giảm sức mạnh của khối trong các vấn đề toàn cầu.
Hơn nữa, khi hoàn tất Brexit, EU sẽ phải tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản khác như: việc mở rộng thành viên, mối quan hệ với Nga, hay quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, các thể chế đa phương… Hiện các quốc gia trong khu vực Tây Balkan mong muốn gia nhập liên minh trong bối cảnh các nước bất đồng về cách thức tiếp cận xung quanh vấn đề mở rộng thành viên. Trong số các nước Tây Balkan, chỉ Serbia và Montenegro đang trong quá trình đàm phán gia nhập EU, trong khi Albania và Cộng hòa Bắc Macedonia chưa khởi động đàm phán.
Đức ủng hộ đẩy nhanh tiến trình mở rộng khối, còn Pháp muốn EU trước hết phải giải quyết việc tăng cường hội nhập, gắn kết giữa các thành viên về chính trị và kinh tế. Về quan hệ với Nga, Pháp chủ trương thiết lập lại, nhưng Đức duy trì quan điểm cứng rắn với Moscow sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014 và khủng hoảng ở đông Ukraine.
Theo AP, EU vẫn bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tìm kiếm sự thỏa hiệp toàn cầu. Song, cách tiếp cận này đang được “xem xét” mỗi ngày khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh lẫn nhau về sức mạnh kinh tế và quân sự, cùng với việc Nga gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Cựu Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại châu Âu Mark Leonard cho rằng, việc hồi sinh trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn tạo áp lực cho giấc mơ của châu Âu về trật tự thế giới đa phương. “EU muốn chơi bóng mềm trong một thế giới bóng cứng”, ông Carl Bildt và ông Mark Leonard nhận định.
Cuối tháng 11-2019, Nghị viện châu Âu ra tuyên bố yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) bảo đảm rằng, tất cả các đề xuất về ngân sách và pháp lý liên quan phải được đáp ứng cho mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, EU sẽ dẫn đầu cuộc chiến chống lại mối đe dọa hiện hữu về khủng hoảng khí hậu. |
PHÚC NGUYÊN