Vắc-xin Covid-19 sẽ dành cho mọi người

.

Tại hội nghị quốc tế trực tuyến gây quỹ phòng, chống Covid-19 diễn ra ngày 27-6, nhiều nước cam kết rằng, nếu vắc-xin Covid-19 được nghiên cứu và bào chế thành công thì tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận.

Sân bay quốc tế Los Angeles ở thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) dùng camera để kiểm soát nghiêm ngặt thân nhiệt của hành khách. Ảnh: Getty Images
Sân bay quốc tế Los Angeles ở thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) dùng camera để kiểm soát nghiêm ngặt thân nhiệt của hành khách. Ảnh: Getty Images

Hãng Reuters cho biết, hội nghị quốc tế trực tuyến gây quỹ phòng, chống Covid-19 đã quyên góp được 6,9 tỷ USD từ Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) và một số nước để đối phó với đại dịch. Hội nghị này là một sáng kiến chung của Liên minh châu Âu (EU) và nhóm Công dân Toàn cầu. Theo đó, EC cùng Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cam kết đóng góp 4,9 tỷ euro (5,5 tỷ USD); Mỹ: 545 triệu USD; Đức: 383 triệu euro; Canada 219 triệu USD và Qatar 10 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng cho việc xét nghiệm và điều trị Covid-19; nghiên cứu và bào chế vắc-xin; hỗ trợ những nước nghèo nhất và những người yếu thế.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Cần bảo đảm vắc-xin cho tất cả mọi người.

Tôi sẽ cố gắng thuyết phục các nước có thu nhập cao không chỉ dự trữ vắc-xin cho chính họ mà còn cho cả các nước có thu nhập trung bình và thấp. Đó là những gì mà chiến dịch “Mục tiêu toàn cầu - đoàn kết về vì tương lai” muốn gửi gắm. Đây là phép thử về sự đoàn kết”. Đồng tình với quan điểm của bà Ursula von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: “Khi có vắc-xin hiệu quả, chúng tôi - những nhà lãnh đạo thế giới có nghĩa vụ bảo đảm vắc-xin sẵn sàng dành cho tất cả mọi người”.

Theo Reuters, EU đang tập trung sự hợp tác toàn cầu nhằm kiểm soát và chấm dứt đại dịch, trái ngược với Mỹ và Trung Quốc chú trọng các sáng kiến quốc gia. Hồi giữa tháng 6, Đức, Pháp, Ý và Hà Lan ký hợp đồng đầu tiên với công ty dược phẩm AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho EU.

Trong khi đó, Mỹ chọn 5 công ty làm những ứng cử viên tiềm năng nhất để sản xuất vắc-xin phòng, chống đại dịch. Trung Quốc dự kiến hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng và sẵn sàng vắc-xin Covid-19 đưa ra thị trường vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Đầu tháng 6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng, cần phải bảo đảm mọi người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận với vắc-xin khi các nhà khoa học phát triển và bào chế thành công.

Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sáng kiến toàn cầu nhằm thúc đẩy việc phát triển và sản xuất dụng cụ xét nghiệm, vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 (có tên ACT) sẽ cần 31,3 tỷ USD trong năm tới. Hãng AFP dẫn thông tin từ WHO cho hay, trong khoản tiền nói trên, 3,4 tỷ USD được cam kết tài trợ; cần thêm 27,9 tỷ USD nữa trong 12 tháng tới, trong đó gần 14 tỷ USD được dùng để trang trải cho những nhu cầu trước mắt. Các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ nhận được 500 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm và 245 triệu liệu trình điều trị từ nay đến giữa năm 2021, cùng 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm sau.

Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, trong vòng gần 7 tháng kể từ khi dịch bùng phát, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 10 triệu, trong đó có gần 500.000 ca tử vong. Hãng Reuters dẫn thông tin từ WHO rằng, tổng số ca nhiễm thực tế cao gấp đôi số ca bệnh cúm mùa được ghi nhận hằng năm.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.