Hiệp ước bầu trời mở bên bờ sụp đổ

.

Bất đồng giữa Mỹ và Nga xung quanh Hiệp ước Bầu trời mở (OST) có thể khiến nhiều nước rút khỏi thỏa thuận, đẩy hiệp ước này đến bên bờ vực sụp đổ.

Ngày 6-7, tổng cộng 35 quốc gia tham gia OST tổ chức họp trực tuyến để bàn về tương lai của hiệp ước này sau khi Mỹ đơn phương thông báo rút khỏi thỏa thuận.

Một máy bay An-30B của Ukraine hoạt động theo Hiệp ước Bầu trời mở. Các nước họp trực tuyến vào ngày 6-7 để bàn thảo về một hiệp ước tồn tại mà không có sự hiện diện của Mỹ. Ảnh: OSCE
Một máy bay An-30B của Ukraine hoạt động theo Hiệp ước Bầu trời mở. Các nước họp trực tuyến vào ngày 6-7 để bàn thảo về một hiệp ước tồn tại mà không có sự hiện diện của Mỹ. Ảnh: OSCE

Hãng AP cho biết, OST được Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu ký năm 1992, có hiệu lực từ năm 2002. Thỏa thuận cho phép 35 quốc gia công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên nhằm tăng cường hiểu biết chung cũng như sự tin cậy lẫn nhau.

Hồi tháng 5, Mỹ thông báo ý định rút khỏi hiệp ước và lấy lý do “Nga liên tiếp vi phạm các điều khoản của thỏa thuận”. Nhà Trắng cũng nói rằng, quá trình rút khỏi hiệp ước sẽ được hoàn tất trong vòng 6 tháng và Tổng thống Donald Trump hiện để ngỏ khả năng quay trở lại.

OST là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Trump hủy bỏ sự tham gia của Mỹ kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng hồi tháng 1-2017. Đến nay, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga vào năm 1988.

Trong tất cả các trường hợp nói trên, ông Trump đều cáo buộc bên còn lại vi phạm quy định của thỏa thuận. Không những thế, ông chủ Nhà Trắng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), ký kết với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021, trong đó cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân.

Theo hãng AFP, tại hội nghị trực tuyến về OST lần này, các nước bàn thảo về một hiệp ước tồn tại mà không có sự hiện diện của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, Mỹ chắc chắn sẽ không thay đổi quyết định nên đây là dịp để các nước thành viên thảo luận về tương lai của một OST không có Mỹ. Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, ông Ryabkov đặt vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra sau khi Mỹ rời OST? Nhiều kịch bản được đưa ra, chẳng hạn một số quốc gia có thể có động thái tương tự Mỹ, tức sẽ rút khỏi thỏa thuận, vô hình trung phá hủy hoàn toàn một trong những thỏa thuận quân sự chủ chốt nhằm xây dựng lòng tin thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Bộ Ngoại giao Nga cũng từng nhiều lần khẳng định, nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ về OST nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng, chứ không phải theo kiểu “tối hậu thư”. Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov còn cho rằng, nếu OST sụp đổ, bên “thiệt hại” nhất không phải là Nga mà là các đồng minh của Mỹ tại châu Âu - những nước thường được chia sẻ các hình ảnh trinh sát ở Nga.

Tại cuộc họp, phía Nga đưa ra 2 “lằn ranh giới đỏ” để duy trì OST bao gồm: sự tham gia của các nước châu Âu trong hiệp ước và không chuyển dữ liệu về chuyến bay cho nước thứ ba là Mỹ. Tuy nhiên, các nước châu Âu khó đồng ý với “lằn ranh giới đỏ” này. Nguyên nhân do các nước châu Âu tham gia OST và là thành viên NATO thì có thể hợp tác theo cơ chế chuyển dữ liệu thông tin sang nước thứ ba là Mỹ - điều mà Nga không chấp nhận. Như thế, bất đồng giữa Nga và châu Âu về cách thức thực hiện OST khi không có Mỹ sẽ không dễ dàng tháo gỡ.

Việc Mỹ rời OST cũng làm dấy lên những hoài nghi về số phận của New START. Tổng thống Trump hiện mong muốn xây dựng một thỏa thuận hạt nhân 3 bên mới giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ và Nga, cụ thể là Bắc Kinh không có mặt trong đàm phán giữa Washington và Moscow ở Vienna (Áo) hôm 22-6 vừa qua.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.