Tiến trình đàm phán Serbia - Kosovo rất khó khăn

.

Các lãnh đạo Serbia và Kosovo thống nhất sẽ gặp gỡ trực tiếp trong tuần này để đàm phán về mối quan hệ căng thẳng kéo dài hơn một thập niên. Song, các nhà lãnh đạo cho rằng, tiến trình đàm phán sẽ rất khó khăn.

Hãng AFP cho biết, ngày 10-7, Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trao đổi trực tuyến với nhau, có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngày 12-7, hai nhà lãnh đạo Kosovo, Serbia cùng các quan chức EU tiếp tục trao họp trực tuyến. Đến ngày 16-7, các bên sẽ nhóm họp ở Brussels (Bỉ).

Quan hệ giữa Serbia và tỉnh Kosovo trở nên căng thẳng sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia từ năm 2008. Đến nay, Serbia vẫn không công nhận độc lập của Kosovo. Năm 2013, Serbia và Kosovo ký thỏa thuận do EU làm trung gian về tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, nhằm mở đường cho Serbia bắt đầu đàm phán gia nhập EU một năm sau đó.

Theo Reuters, Serbia và Kosovo đều đang đối mặt với áp lực từ phương Tây về việc bình thường hóa quan hệ, vốn được xem là quan trọng để cả hai gia nhập EU. Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức nêu rõ: “Bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo cần thiết cho an ninh, sự ổn định của khu vực cũng như đóng vai trò quan trọng nếu cả hai nước tham gia EU”.

Năm 2013, Serbia và Kosovo ký thỏa thuận do EU làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ, nhưng đàm phán sau đó gặp nhiều khó khăn. Hiện hơn 100 quốc gia đã công nhận Kosovo độc lập. Tuy nhiên, trong EU, chỉ 22/27 thành viên công nhận điều này.

Trong lúc đó, chính phủ Serbia đối mặt với khó khăn khi hàng nghìn người ngày 11-7 tập trung tại tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Belgrade để phản đối các chính sách, bao gồm lệnh giới nghiêm và các biện pháp kiểm soát Covid-19, đồng thời yêu cầu Tổng thống Vucic từ chức. Serbia hiện có hơn 18.000 ca nhiễm và 382 ca tử vong.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.