1 triệu ca tử vong vì Covid-19

.

Covid-19 đã làm 33 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và gần 1 triệu ca tử vong. Hãng AP cho rằng, con số này minh chứng sự thất bại của Liên Hợp Quốc (LHQ) trong việc gắn kết các quốc gia để chống lại Covid-19.

Người dân Singapore phải mang khẩu trang khi đi lại trên phố. Ảnh: Reuters
Người dân Singapore phải mang khẩu trang khi đi lại trên phố. Ảnh: Reuters

Các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 12-2019. Đến nay, Covid-19 đã lan ra toàn bộ các châu lục, trừ châu Nam Cực.

Nguy cơ sẽ có 2 triệu ca tử vong

Hãng CNN dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, tức trong 9 tháng, đại dịch đã cướp đi sinh mạng gần 1 triệu người trên thế giới. Mỹ chiếm 1/5 số ca tử vong (204.700 trường hợp). Brazil có số ca tử vong cao thứ hai (141.000 trường hợp). Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico chiếm hơn 1/2 số ca tử vong. 480.000 ca tử vong còn lại ở 190 quốc gia/vùng lãnh thổ khác.

Chỉ tính riêng trong tháng 8 và tháng 9, trung bình 7 ngày lại có 5.000 người chết vì Covid-19.
Trong khi đó, trang thống kê worldometers.info đưa ra con số cao hơn. Cụ thể, tính đến sáng 28-9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 33,3 triệu ca nhiễm, hơn 1 triệu ca tử vong.

Trong một cuộc họp báo vài ngày trước, hãng Reuters dẫn lời TS. Michael Ryan, Giám đốc điều hành của chương trình Sức khỏe khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: “1 triệu ca tử vong là con số khủng khiếp và chúng ta cần suy nghĩ về điều đó trước khi nghĩ đến nguy cơ sẽ có thêm 1 triệu người nữa tử vong. Trừ khi chúng ta tiến hành các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và mạnh tay, cột mốc đáng buồn 2 triệu ca sẽ đến sớm”. Cảnh báo này vừa được đưa ra thì số ca tử vong toàn cầu do Covid-19 đã nhảy lên mốc 1 triệu.

Song, hãng Bloomberg nhận định, con số thực tế có thể cao hơn thế, thậm chí cao gấp đôi. Bloomberg dẫn lời GS. Alan Lopez, Giám đốc Nhóm gánh nặng toàn cầu về dịch bệnh của Đại học Melbourne (Úc) cho rằng, số ca tử vong do đại dịch nghiêm trọng này có thể lên đến 1,8 triệu người và tăng lên 3 triệu người vào cuối năm nay.

Đại dịch là phép thử về sự hợp tác quốc tế

Theo hãng tin AP, tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ diễn ra trực tuyến từ New York (Mỹ) tuần qua, Tổng Thư ký LHQ  Antonio Guterres nhấn mạnh: “Đại dịch là phép thử rõ ràng về sự hợp tác quốc tế - một phép thử mà chúng ta cơ bản đã thất bại”. Ông cảnh báo, trong thế giới liên kết của thế kỷ 21, “đoàn kết là vì lợi ích của chính mình”. “Nếu không nhận thức được điều này, tất cả đều thua cuộc”, ông Guterres nói. Vì vậy, thông điệp xuyên suốt bài phát biểu của hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 75 lần này là: “Chúng ta chỉ có thể chiến thắng Covid-19 khi tất cả các quốc gia cùng chiến thắng”.

Tuy nhiên, thực tế, cuộc họp trực tuyến đầu tiên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng LHQ thể hiện rõ những căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc, sự bất bình đẳng cũng gia tăng giữa nước giàu và nước nghèo. Đặc biệt, 193 thành viên LHQ không dễ dàng tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn. Và theo AP, điều này đặt ra vấn đề: LHQ cần cải cách để có thể đối mặt với những thách thức khác tương tự Covid-19.

Căng thẳng rõ nhất là Mỹ và Trung Quốc, 2 trong số 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, đã cáo buộc lẫn nhau về việc ứng phó sai lầm và chính trị hóa Covid-19. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận, Covid-19 làm rạn nứt mối quan hệ giữa các quốc gia và kêu gọi các nhà lãnh đạo đoàn kết chống lại “kẻ thù chung”.

Song, một tín hiệu vui trong cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới là Nga đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho LHQ, chẳng hạn như cấp miễn phí vắc-xin cho các nhân viên của LHQ, chia sẻ kinh nghiệm với tất cả các nước và tổ chức quốc tế, cung cấp vắc-xin của Nga cho nước khác… Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cam kết sẽ giúp thế giới sản xuất và cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng. Ngoài ra, New Delhi sẽ giúp các nước nâng cao năng lực bảo quản trữ lạnh vắc-xin.

Theo CNN, hiện các nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt nhưng các chính phủ đã dỡ bỏ những biện pháp hạn chế. WHO dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong tháng 10 và tháng 11 ở “lục địa già”. Với hơn 735.000 ca nhiễm, 31.200 ca tử vong, Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu. Pháp ngày 27-9 có thêm 11.100 ca nhiễm mới và 27 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 538.500 ca và 31.700 ca tử vong…

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.