Chưa hết Covid-19, thế giới lại lo biến đổi khí hậu

.

Các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp trực tuyến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) trong tuần qua cảnh báo, nếu Covid-19 không đe dọa thế giới thì con người vẫn chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Mức khí thải nhà kính nhanh chóng cao trở lại khi các nước nới lỏng hạn chế hoạt động để ngăn Covid-19. Trong ảnh: Sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) đông đúc vào ngày 25-8.  Ảnh: Getty Images
Mức khí thải nhà kính nhanh chóng cao trở lại khi các nước nới lỏng hạn chế hoạt động để ngăn Covid-19. TRONG ẢNH: Sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) đông đúc vào ngày 25-8. Ảnh: Getty Images

Hãng AP cho biết, với việc Siberia thuộc Nga chứng kiến nhiệt độ ấm nhất ở mức kỷ lục (lên đến 38 độ C) hồi tháng 6, rồi các sông băng trên đảo Greenland (Đan Mạch) và thềm băng cuối cùng còn nguyên vẹn ở Bắc Cực thuộc Canada đã tan chảy, các nước đều nhận biết rằng, chưa có “vắc-xin” cho tình trạng ấm nóng toàn cầu. Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cho rằng, đây là năm mà “chúng ta cứu hành tinh”.

Ông dẫn chứng các vụ cháy rừng ở phía tây nước Mỹ đã tàn phá nhiều thị trấn, khiến hàng ngàn người phải sơ tán, đồng thời lưu ý các khối băng ở Greenland lớn hơn nhiều tảng băng ở các quốc đảo khác nhưng đã tan chảy đến mức không thể hồi phục. Dải băng Greenland bao phủ 80% đảo Greenland. Nếu dải băng này tan chảy toàn bộ thì mực nước biển toàn cầu có thể dâng cao hơn 7m.

Trong lúc thế giới đối mặt với vấn đề nan giải về biến đổi khí hậu, Covid-19 xảy ra, thu hút mọi nguồn lực và sự quan tâm của các chính phủ. Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về khí hậu được hoãn đến cuối năm 2021 thì các nhà lãnh đạo sẽ càng khó có dịp bàn về giải pháp đối với sự ấm nóng toàn cầu. Theo đó, từ các quốc đảo đang dần chìm xuống biển đến các nước khô cằn ở châu Phi không thể lên tiếng.

Hãng AP dẫn lời Liên minh các quốc đảo nhỏ và nhóm các nước kém phát triển nhất nhấn mạnh: “Trong 75 năm nữa, nhiều thành viên có lẽ không còn giữ ghế tại LHQ nếu thế giới tiếp tục con đường hiện tại”.

Mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2 độ C so với mức ghi nhận thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, thậm chí dưới 1,5 độ C. Tháng 12-2019, hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), nhưng các nước tham dự không tìm được tiếng nói chung. Bất đồng cơ bản vẫn là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý thị trường carbon. Theo AP, một nghiên cứu mới nhất cho thấy, nếu nhiệt độ của thế giới tăng thêm 0,9 độ C, băng ở Tây Nam Cực sẽ tan chảy đến mức không thể cứu vãn.

Cộng hòa Palau - quốc đảo Thái Bình Dương - không có ca nhiễm Covid-19. Tổng thống Palau Tommy E. Remengesau cảnh báo, nước này sẽ bị tác động mạnh mẽ từ nước biển dâng. Ông Remengesau cho rằng, khi các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, vốn được áp dụng để ngăn Covid-19 lây lan, ô nhiễm cũng tăng trở lại. Theo nhà lãnh đạo này, các cường quốc không thể trốn tránh việc thực hiện cam kết chống lại biến đổi khí hậu trong đại dịch Covid-19, thậm chí ngay cả khi các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký Antonio Guterres nói rằng, thế giới đang nóng lên ở mức báo động; khí thải nhà kính khiến thế giới đối mặt với nhiều thảm họa từ cháy rừng, bão lũ đến mất an ninh lương thực, suy thoái kinh tế… Ông Guterres cũng nhấn mạnh, Covid-19 không làm khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà mức khí thải nhà kính nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra.

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố nước này đặt mục tiêu lượng phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030, sau đó đưa về 0 trước năm 2060, đồng thời kêu gọi các nước chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và tiến tới nền kinh tế carbon thấp. Trung Quốc hiện có lượng phát thải carbon cao nhất trên thế giới, chiếm 25%. Bắc Kinh cam kết như vậy, còn với các nền kinh tế lớn khác, có lẽ phải chờ đến COP 26 vào cuối năm tới, được xem là thời hạn cuối để thế giới đưa ra những cam kết mới về giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.