Mỹ có gần 200.000 ca tử vong do Covid-19

.

Khi số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ lên đến gần 200.000 người, Tổng thống Donald Trump cho rằng, nếu chính phủ của ông không hành động thì con số chắc hẳn cao hơn thế.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ sẽ tăng cao hơn con số 200.000 người nếu chính phủ của ông không hành động. 						            Ảnh: AFP/Getty Images
Tổng thống Donald Trump cho rằng, số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ sẽ tăng cao hơn con số 200.000 người nếu chính phủ của ông không hành động. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo hãng tin AP, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở Mỹ vào tháng 3-2020, Tổng thống Donald Trump bày tỏ những kỳ vọng trong việc khống chế dịch bệnh. Lúc đó, ông nói rằng, nếu nước Mỹ giữ con số tử vong từ 100.000 - 200.000 người thì điều đó cho thấy chính phủ của ông “đã làm việc rất hiệu quả”. Song giờ đây, số ca tử vong ở Mỹ sắp vượt mốc 200.000 người (theo thống kê chính thức) - trung bình mỗi ngày có hơn 800 người tử vong. Virus có thể tiếp tục lan rộng và hiện chưa có vắc-xin ngừa Covid-19.

Một số chuyên gia y tế lo ngại số ca nhiễm mới sẽ tăng cao vào mùa thu và mùa đông này, số ca tử vong thậm chí có thể tăng gấp đôi vào cuối năm. Trước đó, ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, hy vọng số ca nhiễm mới sẽ giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày trước khi mùa cúm bắt đầu vào tháng 10.

Tuy vậy, hãng AP cho biết, Tổng thống Trump giảm thiểu những thiệt hại của nước Mỹ trong đại dịch Covid-19 bằng việc đề cập câu chuyện thành công của chính phủ. Ông nói rằng, nếu chính phủ không hành động thì số ca tử vong chắc hẳn cao hơn thế. “Nếu chúng tôi không làm việc thì sẽ có 3,5 triệu ca tử vong; 2,5 triệu ca tử vong; có thể là 3 triệu ca tử vong. Chúng tôi đã thực hiện một công việc phi thường trong việc chống lại Covid-19”, người đứng đầu Nhà Trắng nói.

Hãng AP nhận định, triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Trump phụ thuộc vào việc cử tri có tán thành cách đánh giá của ông hay không. Covid-19 chính là thách thức lớn của ông trong chặng đường tìm kiếm nhiệm kỳ hai và đối đầu với ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden.

Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, ngày 20-9, các nhà chức trách ghi nhận thêm gần 40.000 ca nhiễm mới và 250 ca tử vong. Theo đó, Mỹ hiện có tổng cộng ít nhất 6,8 triệu ca nhiễm và 199.500 ca tử vong. Theo thăm dò của hãng AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công chúng NORC, chỉ 39% số người Mỹ được hỏi đã bày tỏ ủng hộ cách xử trí của Tổng thống Trump đối với đại dịch. Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, 1/4 số nghị sĩ không ủng hộ ông Trump xử lý khủng hoảng dịch bệnh, mặc dù có đến 84% số nghị sĩ đảng này ủng hộ vị Tổng thống đương nhiệm về mặt tổng thể.

Khi Mỹ ghi nhận ca dương tính đầu tiên với Covid-19 hồi tháng 2, ông Trump nói rằng, số ca nhiễm sẽ “giảm xuống gần bằng 0” chỉ trong một vài ngày. Đến đầu tháng 4, khi các quan chức Mỹ ước tính có ít nhất 100.000 người dân nước này sẽ chết vì đại dịch, ông Trump công bố con số thấp hơn và nói: “Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang làm tốt hơn thế”. Mới đây, ông Trump tuyên bố ít nhất 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 có thể sẽ được phân phối ở Mỹ vào những tháng cuối năm 2020, sớm hơn nhiều tháng so với dự đoán trước đó của ông Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Cũng theo AP, nhận biết thế bất lợi của mình là đại dịch Covid-19, ông Trump chuyển hướng, xoay sang chiến lược chống lại đối thủ Joe Biden ở các lĩnh vực khác, đồng thời tìm người thay thế bà Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán theo đường lối tự do của Tòa án Tối cao Mỹ, vừa qua đời hôm 18-9. Nếu ông Trump kịp thời bổ nhiệm người theo đường lối bảo thủ thay thế bà Ginsburg, thẩm phán mới có thể giúp giải quyết mọi tranh chấp theo hướng có lợi cho ông. Tuy nhiên, nếu thế thì chính trường Mỹ sẽ thêm chia rẽ... Vì vậy, ông Biden muốn việc đề cử thẩm phán mới thay bà Ginsburg phải diễn ra sau bầu cử.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, Tổng thống Trump đang trở lại chiến lược tập trung vào kinh tế, trong đó nhấn mạnh khả năng tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ đầu, với hy vọng thu hẹp khoảng cách so với ông Biden. Với ông Trump, câu chuyện thành công của chính phủ trong lĩnh vực kinh tế hay trong xử lý khủng hoảng y tế vẫn là thông điệp mà nhà lãnh đạo này luôn muốn nhắc đến, nhất là khi đã có 4 tiểu bang bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp, bao gồm: bang Minnesota, Virginia, Nam Dakota và Wyoming.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.