Mỹ tưởng niệm vụ 11-9 trong nỗi lo đại dịch

.

Ngày 11-9, nước Mỹ tưởng niệm 19 năm vụ khủng bố từng gây chấn động thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Đối với nhiều người Mỹ, sự kiện 11-9 là ký ức không thể nào quên.

Với nhiều người Mỹ, nỗi đau của thảm kịch 11-9 vẫn chưa nguôi ngoai. Ảnh: AP
Với nhiều người Mỹ, nỗi đau của thảm kịch 11-9 vẫn chưa nguôi ngoai. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, trong lúc nước Mỹ có hơn 34.800 ca mắc Covid-19 mới và 894 ca tử vong trong ngày 10-9, bất chấp những khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm, buổi lễ vẫn diễn ra tại Quảng trường tưởng niệm ngày 11-9 và một góc gần Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).

Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ tham dự buổi lễ tại Trung tâm tưởng niệm quốc gia Chuyến bay 93 gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania ở những thời điểm khác nhau.

Các lãnh đạo Bảo tàng và Đài tưởng niệm quốc gia 11-9 cho biết, họ không tổ chức đọc tên trực tiếp các nạn nhân đã khuất để tránh sự tiếp xúc. Thay vào đó, họ sử dụng bản ghi âm và phát qua loa.

Theo AP, lễ tưởng niệm 11-9 diễn ra trong lúc nước Mỹ đối mặt với nhiều khủng hoảng, từ khủng hoảng y tế do Covid-19 đến căng thẳng về chủng tộc và chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử chọn nhà lãnh đạo mới. Song, các gia đình nạn nhân thảm họa 11-9 nói rằng, cần có hình thức tưởng niệm gần 3.000 người đã thiệt mạng tại WTC, Lầu Năm Góc và gần Shanksville vào ngày 11-9-2001, vụ việc đã định hình lại các chính sách của Mỹ.

Trong khi đó, nhiều nơi khác ở Mỹ hoãn các lễ tưởng niệm vụ 11-9 vì đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện có tổng cộng gần 6,4 triệu ca nhiễm và hơn 191.000 ca tử vong. Theo AP, người dân Mỹ cho rằng, Covid-19 làm mọi người quên việc tưởng niệm vụ khủng bố.

Số người tử vong do Covid-19 ở Mỹ đã vượt số người thiệt mạng trong sự kiện 11-9. Người dân Mỹ cho rằng, không thể so sánh Covid-19 với các tác động của vụ 11-9 vì sự kiện xảy ra cách đây 19 năm đã gây ra nỗi kinh hoàng cho người Mỹ và cho cả thế giới. Đến nay, hàng nghìn người Mỹ vẫn gánh chịu những di chứng như ung thư, bệnh nặng do tàn dư của vụ tấn công 11-9. Nhiều người đã tiếp xúc với lượng lớn chất hóa học độc hại thải ra môi trường sau khi 2 tòa tháp bị đâm sập. Vì vậy, với nhiều người Mỹ, nỗi đau của thảm kịch 11-9 vẫn chưa nguôi ngoai.

Hãng AP dẫn lời bà Anthoula Katsimatides, người đã mất anh trai bày tỏ: “Tôi biết trái tim của người Mỹ thổn thức trong ngày 11-9 và tất nhiên họ nghĩ về ngày bi thảm này. Tôi nghĩ mọi người không quên”. Hồi tháng 7, Tổng thống Trump đã thông qua một dự luật bảo đảm Quỹ bồi thường nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9 không bao giờ cạn kiệt.

Cũng từ thảm kịch 11-9, nước Mỹ và nhiều nước khác bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Tổng thống Mỹ G.W. Bush phát động ở Afghanistan, sau đó là Iraq, Syria, Yemen. Năm 2001, chính phủ của ông G.W. Bush chỉ mất gần 1 tháng để tìm đủ lý do khơi mào cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Để tấn công Iraq, lật đổ chính phủ Saddam Hussein, Mỹ mất 2 năm để tìm ra mối liên hệ giữa Al-Qaeda với giới tình báo Baghdad. Tuy nhiên, để tiêu diệt Osama Bin Laden, trùm khủng bố của Al-Qaeda, được cho là đứng sau vụ 11-9, Mỹ mất 10 năm; nghĩa là cuộc chiến chống khủng bố của cường quốc hàng đầu thế giới “sa lầy” từ năm 2001, tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD.

Theo báo USA Today, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay, các vấn đề Covid-19, phục hồi kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc, luật pháp và trật tự đều được đề cập, ngoại trừ chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, một thực tế rõ ràng, sau 19 năm, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vẫn đối mặt với mối đe dọa khủng bố.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.