Năm 2020, cả thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng kép chưa từng có về y tế và kinh tế khiến cuộc sống của con người bị đảo lộn, tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội toàn cầu. Có thể nói rằng, năm 2020 không giống bất kỳ năm nào trong lịch sử thế giới hiện đại.
(Báo Đà Nẵng bình chọn)
1. Đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng toàn cầu
Các nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại một nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Seoul ngày 13-3, thời điểm Hàn Quốc là một trong hai vùng tâm dịch. Ảnh: AFP/Getty Images |
Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đến nay đã làm hơn 81,7 triệu người nhiễm và 1,7 triệu người tử vong, đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.
Ngày 24-1, SARS-CoV-2 lan ra đến châu Âu. Ngày 30-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ngày 11-3, WHO xác nhận đây là đại dịch trong lúc số ca nhiễm đã lên đến 116.000 ca. Mỹ hiện là tâm dịch lớn nhất với hơn 19,2 triệu ca nhiễm và 337.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Bình quân trong 7 ngày gần nhất, Mỹ mỗi ngày ghi nhận hơn 144.000 ca nhiễm mới và 1.120 ca tử vong vì Covid-19. Nhiều nước đang đối mặt với làn sóng thứ hai, làn sóng thứ ba của dịch bệnh và ứng phó với biến thể mới của SARS-CoV-2. Các nước cũng đang chạy đua tìm kiếm và tiêm vắc-xin đại trà ngừa Covid-19. WHO đặt mục tiêu phân phối ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021, đủ chủng ngừa cho khoảng 20% dân số dễ bị tổn thương ở các quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
2. Ký kết Hiệp định kinh tế quy mô lớn nhất thế giới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) ở Hà Nội ngày 15-11-2020. Ảnh: VGP |
Ngày 15-11, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới - được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand ký kết sau 8 năm đàm phán. Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, mua sắm của chính phủ.
Khi hiệp định được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
3. Bầu cử Tổng thống Mỹ gây nhiều tranh cãi
Ông Joe Biden (phải) và bà Kamala Harris vui mừng với chiến thắng. Ảnh: Getty Images |
Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306/538 phiếu đại cử tri, ứng cử viên của đảng Dân chủ - ông Joe Biden đã chính thức chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Bà Kamala Harris trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Song, đến nay, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa từ bỏ các cáo buộc gian lận liên quan đến bầu cử. Cuộc chiến pháp lý do chiến dịch tranh cử của ông Trump phát động cũng bị nhiều tòa án bang và liên bang bác bỏ.
4. Anh - EU đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) ngày 9-12-2020. Ảnh: AP |
Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận thương mại vào đêm 24-12 sau hơn 9 tháng đàm phán căng thẳng. Thỏa thuận này mở ra mối quan hệ kinh tế và an ninh mới giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit (Anh rời EU), tránh kịch bản không có thỏa thuận khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31-12.
Theo đó, doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh và EU từ ngày 1-1-2021 sẽ thay đổi so với hiện tại.
5. Kinh tế thế giới suy thoái
Trong bức tranh suy thoái toàn cầu, kinh tế Nhật Bản có những tín hiệu phục hồi từ tháng 7 đến tháng 9-2020. TRONG ẢNH: Nhân viên làm việc ở một nhà máy tại Kawasaki, Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Năm 2020, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai đến nay do tác động của đại dịch Covid-19. Các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới làm tê liệt mọi hoạt động, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc phải thu hẹp quy mô. GDP toàn cầu ước tính giảm 4,4% trong năm 2020, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cả IMF lẫn Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo về rủi ro của một cuộc khủng hoảng nợ mới.
Các quốc gia đã triển khai hàng loạt biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có, bước đầu phát huy hiệu quả hỗ trợ phục hồi kinh tế, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro khi diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp.
6. Israel bình thường hóa quan hệ với 4 quốc gia Arab
Từ trái sang: Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan tại lễ ký kết Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước láng giềng Trung Đông ở Nhà Trắng ngày 15-9-2020. Ảnh: Reuters |
Mỹ làm trung gian hòa giải các mối quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc, tạo ra dấu mốc hòa bình lịch sử giữa Tel Aviv và các nước Arab. Đây là diễn biến báo trước sự thay đổi mạnh mẽ về cán cân chính trị ở Trung Đông. Tuy nhiên, việc các nước Arab xích lại gần Israel trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, trong đó quy định các nước Arab chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel sau khi Tel Aviv chấm dứt chiếm đóng các vùng đất của Arab và Palestine, cũng như phải bảo đảm hòa bình cho Palestine.
7. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng
Chính phủ Mỹ cho rằng TikTok tạo ra mối đe dọa về an ninh. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng Mỹ - Trung từ thương mại đã chuyển thành mâu thuẫn toàn diện. Từ tranh cãi về nguồn gốc và cách thức xử lý đại dịch Covid-19, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong lĩnh vực công nghệ, ngoại giao với việc hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Chính phủ Mỹ đã cấm tải ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ, áp đặt trừng phạt và lệnh cấm đối với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc…
8. Giá dầu thế giới biến động
Một cơ sở lọc dầu ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP |
Covid-19 tác động đến các nền kinh tế, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm mạnh. Hồi tháng 4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và OPEC+ ký một thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng, góp phần chấm dứt cuộc chiến giá dầu. Cuối tháng 11, giá dầu bắt đầu tăng trở lại đạt 47 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn 30% so với hồi đầu năm 2020.
Cuối tháng 12, những dữ liệu kinh tế lạc quan được phát đi từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới; gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mới của Mỹ đã được thông qua là động lực thúc đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh trong những phiên gần đây. Theo đó, nhu cầu nhiên liệu, trong đó có dầu thô, được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại.
9. Thảm họa khí hậu tiếp diễn
Bão bụi càn quét qua thị trấn Narromine, bang New South Wales, đông nam Úc, hồi tháng 1-2020. Ảnh: AP |
Năm 2020, thế giới chứng kiến những vụ cháy rừng tự nhiên quy mô lớn, bão lụt diễn ra thường xuyên trong khi hạn hán nghiêm trọng hơn tại nhiều nơi.
Ngày 4-11, trong lúc cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra căng thẳng, Mỹ là quốc gia đầu tiên chính thức từ chối tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong tổng số 197 nước đã ký hiệp định này. Song, trên Twitter, ông Joe Biden lúc đó cam kết sẽ tham gia trở lại thỏa thuận Paris ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống (ngày 20-1-2021).
Mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã có cuộc họp trực tuyến kỷ niệm 5 năm Hiệp định Khí hậu Paris, đồng thời đưa ra các cam kết ấn tượng hướng tới một thế giới trung hòa carbon, nhưng để đạt được mục tiêu này là điều không dễ.
10. Nổ kinh hoàng ở cảng Beirut
Lực lượng chức năng đưa người bị thương ra khỏi đống đổ nát sau khi vụ nổ xảy ra. Ảnh: AP |
Vụ nổ lớn vào đêm 4-8 ở cảng Beirut của Lebanon làm ít nhất 190 người chết và 6.000 người khác bị thương, thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD. Người dân cáo buộc chính phủ quản lý yếu kém khi để hơn 2.700 tấn amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua. Chính phủ Lebanon của Thủ tướng Hassan Diab tuyên bố từ chức, đẩy chính trường Lebanon lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Một hội nghị quốc tế cũng đã được gấp rút triệu tập nhằm kêu gọi sự trợ giúp, thúc đẩy các nỗ lực tái thiết Lebanon.