Hội nghị trực tuyến các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 17 và 18-2 bàn thảo về sứ mệnh của 9.600 binh sĩ liên quân quốc tế đang đồn trú ở Afghanistan sau khi ông Donald Trump hồi tháng 11 năm ngoái ra lệnh rút 2.000 binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này.
Binh sĩ Mỹ từ Afghanistan trở về căn cứ quân sự Fort Drum, New York năm 2020. Ảnh: Getty Images |
Hãng tin AFP cho biết, các bộ trưởng quốc phòng của NATO sẽ không đưa ra bất kỳ thông báo chắc chắn nào sau khi cuộc họp kết thúc vào ngày 18-2. Song, các thành viên NATO khẳng định họ sẵn sàng ở lại Afghanistan nếu Mỹ cũng ở lại.
Trong lúc đó, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét có nên tuân thủ việc tiếp tục rút quân vào thời hạn cuối là ngày 1-5-2021, hay ở lại để ngăn chặn nguy cơ lực lượng nổi dậy có thể có phản ứng dữ dội. Vấn đề chính đặt ra là Mỹ sẽ phải đánh giá liệu Taliban có thực hiện cam kết trong thỏa thuận hòa bình đã ký hồi tháng 2-2020 hay không, bao gồm: cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, giảm bạo lực ở Afghanistan và tham gia các cuộc hòa đàm với chính phủ Kabul. AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ “tham vấn các đồng minh về tiến trình và phản hồi của họ”. “Mọi lựa chọn vẫn đang được xem xét”, vị quan chức cấp cao này nói.
Theo thỏa thuận hòa bình được Mỹ và Taliban ký kết hồi tháng 2-2020, tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào tháng 5-2021, còn Taliban bảo đảm về an ninh và cam kết tiến hành hòa đàm với chính phủ Kabul. Song, sau tháng 2-2020, các vụ tấn công liều chết vẫn liên tiếp xảy ra. Mới đây, Taliban tiến hành các vụ tấn công nhằm cảnh báo các bộ trưởng NATO không nên tìm cách “tiếp tục chiếm đóng” bằng việc ở lại Afghanistan. Thậm chí, Taliban cáo buộc chính Mỹ vi phạm thỏa thuận hòa bình và khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc “thánh chiến” nếu lực lượng quân đội nước ngoài không rút khỏi Afghanistan trong tháng 5-2021.
Các nước thành viên NATO không muốn Afghanistan trở lại là nơi trú ẩn của các nhóm khủng bố như Al-Qaeda sau 20 năm liên quân quốc tế có mặt ở quốc gia này. Một số nhà phân tích cho rằng, NATO và Mỹ nên đưa ra thông điệp mạnh mẽ về hòa bình cho tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Afghanistan. Theo Torek Farhadi, nhà phân tích chính trị và cựu cố vấn của chính phủ Kabul, NATO và Mỹ cần thể hiện rất rõ ràng rằng họ không muốn có thêm chiến tranh ở Afghanistan và muốn một giải pháp chính trị giữa các bên…
Mỹ cũng muốn tận dụng cuộc họp của NATO để nhấn mạnh cam kết của Washington với các đối tác, khác với thời ông Donald Trump làm Tổng thống. Trên báo Washington Post tối 16-2, Bộ trưởng Quốc phòng Austin viết rằng ông sẽ đưa ra những thông điệp gắn kết tập thể tại hội nghị NATO. “Tôi muốn họ biết Mỹ đang dẫn đầu trở lại… Chúng ta phải cùng nhau tham vấn, cùng nhau quyết định và cùng nhau hành động”, ông Austin nêu rõ.
Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra cho NATO, trong đó có việc tăng ngân sách quốc phòng và những rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của khối - khi nước này theo đuổi các hợp đồng tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thêm vào đó, tiến trình đàm phán giữa Taliban và chính phủ Kabul có thể kéo dài vài năm mới có thể tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, sau 20 năm tham gia cuộc chiến và tiêu tốn hàng tỷ USD, NATO và Mỹ đang đối mặt với bài toán khó: Làm thế nào để rút quân khỏi Afghanistan mà không để nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn. Một quan chức ngoại giao châu Âu nhận định: “Không thể thắng trong cuộc chiến này, nhưng NATO không thể cho phép mình thất bại một cách đáng thương”. Riêng Mỹ đã phải tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD và mất đi khoảng 2.400 binh sĩ.
Hãng tin Reuters cho hay, ngày 17-2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo sẽ rút những binh sĩ cuối cùng của nước này ở Afghanistan vào tháng 5 tới. Năm 2001, New Zealand đưa hơn 3.500 quân nhân đến Afghanistan, bao gồm lực lượng đặc biệt, lực lượng tái thiết và các chuyên gia tham gia huấn luyện. Con số này hiện chỉ còn 6 người và bà Ardern muốn chấm dứt thời gian đồn trú của binh sĩ New Zealand. Trong lúc đó, Đức vẫn muốn duy trì sự hiện diện quân sự tại Afghanistan, dù tháng 3-2021 là thời điểm kết thúc sứ mệnh của lực lượng Đức ở quốc gia Nam Á này. |
PHÚC NGUYÊN