Hệ thống đường ống dẫn nguyên liệu lớn nhất nước Mỹ đã phải tạm ngừng suốt 3 ngày sau vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền (ransomware) ngày 7-5. Việc khắc phục đường ống là ưu tiên để tránh ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nhiên liệu.
Hệ thống bồn chứa nhiên liệu của Công ty Colonial Pipeline tại thành phố Woodbine, bang Maryland, Mỹ ngày 10-5-2021. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, vụ tấn công mạng nhằm vào Công ty Colonial Pipelne có trụ sở tại bang Georgia. Mỗi ngày, Công ty Colonial Pipelne vận chuyển hơn 100 triệu gallon xăng và các nhiên liệu khác từ Texas đến vùng Đông Bắc, đáp ứng nhu cầu khoảng 45% lượng nhiên liệu tiêu thụ ở Bờ Đông.
“Gót chân Asin”
Mặc dù quy mô và mức độ ảnh hưởng của vụ việc vẫn đang chờ được đánh giá, nhưng việc hệ thống đường ống cấp nhiên liệu phải tạm dừng ngay lập tức gây ra những hậu quả. Hãng tin AP cho biết, trước hết, sự cố này làm sụt giảm nguồn cung nhiên liệu trong ngắn hạn, từ đó đẩy giá xăng, dầu lên cao và buộc các dây chuyền tinh chế sản phẩm phải giảm năng suất vì không có cách nào vận chuyển nhiên liệu tới các điểm phân phối.
Lo thiếu nhiên liệu, nhiều người dân vùng đông nam của Mỹ đã đổ xô đi mua nhiên liệu tích trữ. Các trạm xăng ở 3 bang Georgia, North Carolina và Tennessee chật ních người mua. Hiệp hội Ô-tô Mỹ cho hay, giá xăng trung bình trên toàn quốc đã tăng vọt lên 2,92 USD/gallon (3,78 lít) và có thể sẽ tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2014.
Công ty Colonial Pipeline ngày 10-5 cho biết đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động của hệ thống theo từng gia đình. Mục tiêu là cuối tuần này sẽ khôi phục phần lớn hoạt động sản xuất của công ty. Ngày 7-5, Công ty Colonial Pipeline tạm đóng cửa mạng lưới đường ống dài 5.500 dặm (8.850km) vận chuyển đủ loại nhiên liệu gồm khí đốt, dầu diesel và xăng máy bay của họ để bảo vệ hệ thống, phòng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khác.
Ngày 9-5, Công ty Colonial Pipeline khôi phục lại được một số đường dẫn nhỏ hơn giữa các trạm tiếp nhận nhiên liệu và các điểm phân phối tới người dùng, giúp giải quyết được phần nhiên liệu được trữ tại địa phương tới khách hàng. Ngày 10-5, công ty này bắt đầu vận chuyển và phân phối thủ công khoảng 700.000 thùng nhiên liệu mỗi ngày để khắc phục tạm sự cố. Tuy nhiên, các đường dẫn nhiên liệu chính của công ty vẫn đóng.
Theo báo New York Times, biến cố bất ngờ cho thấy những điểm rất dễ tổn thương trong hạ tầng nhiên liệu của Mỹ trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở nên tinh vi, khó lường hơn. Giới lập pháp Mỹ kêu gọi chính quyền cần có những biện pháp bảo vệ chắc chắn hơn nữa với cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu của đất nước.
Vụ việc cũng là hồi chuông cảnh báo với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lưu ý các quốc gia thành viên cần đấu tranh ngăn chặn tội phạm mạng để tránh “sự phá hoại với thế giới chúng ta đang sống”.
Tin tặc muốn đòi tiền
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định nhóm tin tặc DarkSide đứng sau vụ tấn công, theo thông tin từ AP. Đây là nhóm tin tặc được cho là ở Nga hay một nước Đông Âu nào đó. Giới chuyên gia mạng cho rằng, mã độc tống tiền của nhóm tin tặc nhằm vào những máy tính không sử dụng loại bàn phím dùng cho các ngôn ngữ thuộc các nước Liên Xô cũ. Dù vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chưa có chứng cứ cho thấy chính phủ Nga liên quan vụ tấn công.
Cũng trong ngày 10-5, một thông báo được phát đi dưới danh nghĩa của nhóm Darkside nói: “Mục đích của chúng tôi là kiếm tiền và không gây rắc rối cho xã hội”. Tuy nhiên, thông báo này không đề cập đích danh Công ty Colonial Pipeline. Theo trang Wired, DarkSide nổi lên từ tháng 8 năm ngoái khi tuyên bố sẽ không tấn công các nhà cung cấp dịch vụ y tế, trường học hay các doanh nghiệp không có khả năng trả tiền chuộc.
Mã độc tống tiền là một dạng phần mềm mã độc được thiết kế để sau khi lây nhiễm vào máy tính, nó có khả năng mã hóa dữ liệu và chặn khả năng truy cập hệ thống máy tính của người dùng. Sau khi thực hiện thành công việc cài cắm mã độc này, tin tặc sẽ liên lạc với chủ hệ thống để yêu cầu một khoản tiền chuộc nhất định nếu họ muốn được trả lại quyền truy cập dữ liệu.
Hiện chưa biết nhóm tin tặc yêu cầu số tiền chuộc bao nhiêu. Công ty Colonial Pipline cũng không bình luận về việc họ có chịu trả khoản tiền đó không. Bà Anne Neuberger - Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ về bảo mật mạng - nói với báo giới rằng chính phủ của Tổng thống Biden sẽ không đưa ra lời khuyên về việc Công ty Colonial Pipline nên trả tiền chuộc đó hay không.
Nhà Trắng đánh giá mức độ ảnh hưởng ở Colonial Pipeline Theo Reuters, chính phủ của Tổng thống Joe Biden sẽ liên tục đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố tấn công mạng xảy ra tại Công ty Colonial Pipeline với việc cung cấp nhiên liệu ở Bờ Đông. “Chúng tôi đang theo dõi tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu tại nhiều khu vực ở vùng đông nam và cân nhắc mọi phương án hành động cần thiết chính quyền có thể làm để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng”, thông cáo của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 10-5 nêu rõ. |
TRẦN ĐẮC LUÂN