Mỹ và Nga đều cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước “xấu đi tới mức thấp nhất trong nhiều năm qua” nên cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva (Thụy Sĩ) chiều 16-6 (giờ địa phương) mang tính biểu tượng nhiều hơn là tạo đột phá.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6. Ảnh: CNN |
Ngày 16-6, an ninh được thắt chặt tối đa tại thành phố Geneva, nhất là khu vực bờ kè hồ Geneva, cầu Mont Blanc và biệt thự La Grange - nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai Tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin.
Nhật báo The Independent của Anh cho biết, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đều hy vọng cuộc gặp sẽ dẫn đến “mối quan hệ ổn định và dễ dự đoán”, mặc dù giữa Washington và Moscow vẫn tồn tại hàng loạt bất đồng từ cuộc nội chiến ở Syria đến vấn đề Ukraine.
Theo hãng thông tấn Interfax, Tổng thống Putin kỳ vọng cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ sẽ giúp thiết lập đối thoại giữa hai nước và khôi phục các mối liên hệ cá nhân. Song, hãng tin AP ngày 16-6 dẫn lời ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, nói rằng sẽ không dễ dàng hoặc không thể có bất kỳ sự đột phá nào.
“Ngày hôm nay không thể là ngày lịch sử và chúng ta không nên kỳ vọng sự đột phá”, ông Peskov nói. Song, theo người phát ngôn này, việc hai Tổng thống đồng ý gặp nhau và bắt đầu trao đổi cởi mở về các vấn đề đã là “một thành tựu”. “Có thể nói, dù chưa bắt đầu nhưng hội nghị thượng đỉnh đã có một kết quả khả quan, nhưng chúng ta không nên chờ đợi đột phá”, ông Peskov lý giải. Những vấn đề mà Nga muốn thảo luận bao gồm: sự ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí, hợp tác ứng phó với các xung đột ở khu vực, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước rơi vào khủng hoảng lớn nhất trong nhiều năm. Song, cuộc gặp này đã chính thức được hai nước lên kế hoạch đầy đủ chứ không phải là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi bên lề một số sự kiện khác.
Theo các nhà quan sát, điều đó cho thấy, Tổng thống Biden muốn tìm giải pháp cho mối quan hệ với Nga trong chiến lược thiết lập lại các mối quan hệ không mấy nồng ấm dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Còn với Tổng thống Putin, việc người đồng cấp Mỹ mời ông gặp thượng đỉnh là dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng đối với nước Nga. Vì vậy, người phát ngôn Dmitry Peskov có cơ sở để nói rằng, ông chủ Điện Kremlin mang đến Geneva những quan điểm và thông điệp thẳng thắn.
Theo CNN, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã chào đón Tổng thống Biden và Tổng thống Putin, bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo có “cuộc đối thoại hiệu quả”. Ông Biden và ông Putin bắt tay, nhìn nhau và mỉm cười. Song, cả hai nhà lãnh đạo đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo giới ở bên ngoài biệt thự La Grange trước khi bước vào hội đàm.
Mở đầu cuộc hội đàm chính thức, Tổng thống Putin cảm ơn người đứng đầu Nhà Trắng đã có sáng kiến cho cuộc gặp gỡ này. “Quan hệ Mỹ - Nga vẫn có nhiều vấn đề cần phải có cuộc họp cấp cao nhất và tôi hy vọng cuộc gặp của chúng ta sẽ hiệu quả”, ông Putin nói. Trong khi đó, ông Biden đề nghị bàn thảo về những lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm.
Vài tháng trước, ông Biden và ông Putin đã có những phát biểu cứng rắn. Ông Biden cáo buộc Nga liên quan nhiều vấn đề về an ninh mạng, can thiệp vào bầu cử Mỹ… Trong khi đó, Nga xem Mỹ là “quốc gia không thân thiện”. Chính Tổng thống Putin cũng xác nhận rằng, mối quan hệ giữa nước ông với Mỹ đang ở “điểm thấp nhất trong những năm gần đây”.
Vì vậy, cuộc gặp lần này dù mang tính biểu tượng, không được kỳ vọng sẽ làm “hạ nhiệt” căng thẳng Mỹ - Nga, nhưng có thể xây dựng mối quan hệ “ổn định và dễ dự đoán hơn”, như mong muốn của Washington.
PHÚC NGUYÊN