Điện Kremlin cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6 sẽ không mang lại thỏa thuận cụ thể nào nhưng tạo đà khôi phục mối quan hệ song phương, thiết lập đối thoại trực tiếp, tạo ra cơ chế hoạt động để hai bên có thể hợp tác..
Ông Joe Biden (trái) gặp gỡ ông Vladimir Putin ở Moscow năm 2011. Lúc đó, ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ, còn ông Putin làm Thủ tướng Nga. Ảnh: Dailymail.co.uk |
Sự kiện ở Geneva ngày 16-6 sẽ đánh dấu cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc mối quan hệ song phương xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Yuri Ushakov - Cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống Putin nói rằng, ông không chắc chắn về việc đạt được các thỏa thuận, nhưng vẫn hướng đến hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ với sự lạc quan. Các vấn đề được đặt lên bàn nghị sự bao gồm: triển vọng quan hệ song phương, sự ổn định chiến lược và những vấn đề toàn cầu cấp thiết, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và cách thức giải quyết các xung đột ở khu vực…
Theo kênh tin tức NBC của Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng không kỳ vọng về sự đột phá đáng kể nào tại cuộc gặp ở Geneva. “Kịch bản tốt nhất” là không có sai sót gì xảy ra và ông Biden sẽ trở về nước với thông điệp cứng rắn dành cho Nga, khác với thái độ vui vẻ của người tiền nhiệm Donald Trump dành cho Tổng thống Putin.
Khi ở Brussels (Bỉ) dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO, tức chỉ 2 ngày trước cuộc gặp tại Geneva, ông Biden phát tín hiệu cứng rắn với người đồng cấp Putin khi gọi nhà lãnh đạo Điện Kremlin là “đối thủ xứng tầm”. “Ông ấy (Tổng thống Putin) là người thông minh, ông ấy cứng rắn, họ (lãnh đạo NATO) có chung quan điểm với tôi rằng ông ấy là đối thủ xứng tầm”, Tổng thống Biden nói, đồng thời bày tỏ rằng không muốn tìm kiếm xung đột với Nga, thậm chí muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên trong những trường hợp cụ thể.
Theo ông chủ Nhà Trắng, Nga và Mỹ vẫn có thể hợp tác trên một số lĩnh vực, nhưng ông sẽ vạch ra “lằn ranh đỏ” ở những lĩnh vực mà hai nước không đạt được tiếng nói chung, trong đó có vấn đề Ukraine. Hồi tháng 4, chính phủ của ông Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng máy tính cũng như các hành động khác.
Ngày 12-6, trả lời kênh NBC, Tổng thống Putin cũng xác nhận quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Song, ông bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng tin tặc Nga tấn công mạng máy tính của Mỹ và kêu gọi ông Biden đồng thuận với ông về thỏa thuận không gian mạng. Ngày 13-6, trả lời hãng tin Interfax, Tổng thống Putin kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ Biden sẽ giúp thiết lập đối thoại giữa hai nước và khôi phục các mối liên hệ giữa hai nhà lãnh đạo.
Mới đây nhất, ngày 7-6, Tổng thống Putin ký luật chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời mở - một hiệp ước được thiết lập thời hậu Chiến tranh lạnh để xây dựng lòng tin giữa Moscow và các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ. Giờ đây, hiệp ước vũ khí còn lại duy nhất giữa Nga và Mỹ là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vốn nhằm hạn chế số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước.
Theo các nhà phân tích, không dễ hàn gắn quan hệ Nga - Mỹ, song cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva vẫn là bước đi tích cực trong việc tái thiết lập và tái cân bằng mối quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Biden vốn khẳng định chính sách đối ngoại của ông sẽ tập trung vào Trung Quốc hơn so với Nga. Vì vậy, có lẽ phải mất một chặng đường dài nữa để có “thành tựu đáng kể” trong quan hệ Nga - Mỹ.
PHÚC NGUYÊN