Biến thể Delta xuất hiện khắp châu Á

.

Biến thể Delta lan ra khắp các nước châu Á trong tuần này, với số ca nhiễm tăng kỷ lục ở Úc và Hàn Quốc. Một số quốc gia phải siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch và một số nước khác đẩy nhanh việc tiêm chủng.

Phun thuốc khử khuẩn một khu vực tại thủ đô Kuala Lumpur khi Malaysia ghi nhận gần 7.000 ca nhiễm mới ngày 2-7. 						     Ảnh: Reuters
Phun thuốc khử khuẩn một khu vực tại thủ đô Kuala Lumpur khi Malaysia ghi nhận gần 7.000 ca nhiễm mới ngày 2-7. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, Delta (biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 11-2020) đã lan ra 100 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Úc chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch

Ngày 2-7, bang New South Wales đông dân nhất nước Úc thông báo về số ca nhiễm mới hằng ngày ở mức cao nhất trong năm nay. Theo đó, đợt bùng phát mới nhất này, bang New South Wales ghi nhận tổng cộng 200 ca nhiễm, hầu hết do biến thể Delta.

Thành phố Sydney, chiếm 1/5 trong tổng cộng 25 triệu dân của Úc, đã trải qua 1/2 chặng đường của 14 ngày thực hiện phong tỏa. Công tác tiêm chủng ở quốc gia lớn nhất châu Đại dương được cho là chậm chạp, với 6% dân số đã được tiêm vắc-xin.

Trong cuộc họp ngày 2-7, chính phủ Úc đã phê chuẩn kế hoạch gồm 4 giai đoạn cho quá trình chuyển đổi từ giai đoạn ngăn chặn các ca lây nhiễm trong cộng đồng sang sống chung với dịch bệnh. Hãng tin Reuters cho hay, mỗi giai đoạn sẽ được kích hoạt khi Úc đạt một tỷ lệ tiêm chủng nhất định. Kế hoạch của chính phủ còn bao gồm cam kết thử nghiệm các phương án cách ly linh hoạt hơn, trong đó cách ly tại nhà đối với người nhập cảnh đã được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng, kế hoạch nói trên giúp thúc đẩy chương trình tiêm chủng, tất cả người dân Úc đủ điều kiện sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối năm nay. Chính phủ Úc cũng cắt giảm số người nhập cảnh vào nước này bằng các chuyến bay thương mại, bao gồm công dân Úc và người nước ngoài, còn 3.185 người/tuần, duy trì mức giới hạn này cho đến đầu năm tới.

Siết chặt các biện pháp chống dịch

Trong khi đó, Nhật Bản đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 12% dân số. Các nhà chức trách cho hay, số ca mắc biến thể Delta chiếm gần 1/3 trong tổng số trường hợp nhiễm ở khu vực phía đông Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo, và có thể tăng lên 50% vào giữa tháng 7. Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike ngày 2-7 nói rằng, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn thì có thể phải cấm khán giả đến xem Thế vận hội Olympic, sự kiện được bắt đầu vào ngày 23-7.

Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách ngày 2-7 ghi nhận 826 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm ở xứ sở kim chi lên hơn 158.500 ca. Theo Yonhap, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc gia tăng trong 10 ngày liên tiếp và các nhà chức trách ở Seoul phải hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

“Các trường hợp ở Indonesia, Ấn Độ và Anh cho thấy không chỉ Hàn Quốc mà còn nhiều nước khác cần suy nghĩ lại về chiến lược tiêm vắc-xin và các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế”, Reuters dẫn lời bà Chun Eun-mi, chuyên gia về bệnh hô hấp tại Trung tâm Y tế Đại học Ewha Womans ở Seoul nói.

Chứng kiến số ca nhiễm gia tăng, Indonesia - quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới - áp đặt các biện pháp khẩn cấp từ ngày 3-7 đến 20-7. Theo đó, chính phủ triển khai lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp tại đảo Java và Bali với việc siết chặt các hạn chế xã hội, đóng cửa tất cả các điểm du lịch.
Thái Lan có hơn 6.000 ca nhiễm mới và 61 ca tử vong vào ngày 2-7, trong lúc nước này mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket.

Tại Ấn Độ, 46.600 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 2-7, đánh dấu mức giảm rõ rệt so với 400.000 ca/ngày hồi tháng 5. Song, các nhà chức trách cho biết, Ấn Độ có tổng cộng hơn 400.000 ca tử vong, 1/2 trong số này được ghi nhận trong 2 tháng qua với sự xuất hiện của biến thể Delta. Các nhà chức trách quốc gia Nam Á cũng chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch mới có thể xảy ra vào tháng 9 và thúc đẩy tỷ lệ tiêm vắc-xin.

Theo AP, trong lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vạch kế hoạch cho giai đoạn điều tra tiếp theo về nguồn gốc Covid-19, ngày càng nhiều nhà khoa học cho rằng, cơ quan y tế này không có nhiệm vụ và cũng không nên tham gia điều tra. “Chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra nguồn gốc nếu dựa vào WHO”, Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm Hợp tác WHO về Nhân quyền và Luật
Y tế công tại Đại học Georgetown nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.