Afghanistan đang ở bước ngoặt nguy hiểm

.

Lực lượng Taliban đang mở rộng các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan nhằm giành lãnh thổ, đẩy quốc gia Nam Á này vào một bước ngoặt nguy hiểm.

Hiện trường một vụ tấn công ở Bagram, Afghanistan. Ảnh: Nikkei
Hiện trường một vụ tấn công ở Bagram, Afghanistan. Ảnh: Nikkei

Hãng tin AFP cho biết, từ ngày 6 đến 8-8, Taliban liên tiếp chiếm giữ nhiều thành phố của Afghanistan. Thành phố Zaranj thuộc tỉnh Nimroz, tây nam Afghanistan, rơi vào tay Taliban ngày 6-8. Kế đến, thành phố Sheberghan - thủ phủ của tỉnh miền bắc Jawzjan - thuộc quyền kiểm soát của Taliban từ ngày 7-8. Các tòa nhà quan trọng của chính phủ ở thành phố Kunduz và cả thành phố Sar-e-Pul ở miền bắc bị Taliban đánh chiếm ngày 8-8. Không những thế, Taliban còn chiếm giữ tất cả sân bay của Kunduz; nhiều tòa nhà và cửa hàng tại thành phố này bốc cháy…

Đáng chú ý là Kunduz, một trong những thành phố lớn nhất Afghanistan, từ lâu được coi là thành trì chống Taliban. Với vị trí chiến lược quan trọng, Kunduz là cửa ngõ nối với các tỉnh miền bắc giàu khoáng sản và khu vực Trung Á. Có những quan ngại rằng thành phố có 270.000 dân này sớm muộn cũng rơi vào tay Taliban. 

Tại Kabul, các tay súng Taliban đã sát hại ông Dawa Khan Menapal - người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Truyền thông của chính phủ trong một buổi cầu nguyện. Một vụ đánh bom xe do Taliban thực hiện tại một quận thuộc Kabul cũng làm phi công Hamidullah Azimi thuộc lực lượng Không quân Afghanistan thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Bạo lực leo thang tại Afghanistan kể từ tháng 5-2021 khi các lực lượng nước ngoài bắt đầu rút toàn bộ binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm. Hiện Taliban kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở nông thôn và mở rộng tấn công các thành phố lớn.

Không giấu sự lo ngại về tình hình an ninh bất ổn nói trên, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Afghanistan Deborah Lyons nói rằng, cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn tàn khốc hơn, tình hình tương tự như tại Syria và quốc gia Nam Á đã trải qua chiến tranh suốt 20 năm qua đang ở bước ngoặt nguy hiểm khi Taliban liên tục giành chiến thắng. “Nếu Taliban thực sự cam kết một giải pháp chính trị thì sẽ không gây thương vong cho dân thường như thế. Taliban hiểu rõ quá trình hòa giải sẽ khó khăn hơn khi đổ máu nhiều hơn”, Reuters dẫn lời bà Lyons nói.

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu diễn ra từ năm ngoái ở Qatar nhưng đến nay không mang lại kết quả khả quan nào. Đã có rất nhiều hy vọng về một tiến trình hòa bình thật sự cho Afghanistan nhưng bức tranh về tương lai của quốc gia này vẫn ảm đạm. Anh và Mỹ đang thúc đẩy các biện pháp răn đe từ LHQ. Đại sứ Anh Barbara Woodward kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ cần thể hiện rõ quan điểm rằng Taliban sẽ phải đối mặt hậu quả nếu tiếp tục phá vỡ cam kết và gây bạo lực ở Afghanistan.

Các nhà quan sát cho rằng, nếu đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn bế tắc thì nội chiến toàn diện sẽ xảy ra. Việc ngày càng đánh chiếm được nhiều thành phố, tỉnh lỵ sẽ khiến Taliban không còn muốn thỏa hiệp nữa. Theo đó, thỏa thuận hòa bình mà Mỹ và Taliban đã ký kết với nhau hồi năm ngoái sẽ đổ vỡ. Thỏa thuận này quy định Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, còn Taliban bảo đảm bảo lãnh thổ Afghanistan sẽ không bao giờ được sử dụng cho các mục đích khủng bố quốc tế.

Mọi khó khăn, áp lực lúc này hoặc trong những ngày tới sẽ dồn lên cho chính phủ Afghanistan khi vừa phải tự ứng phó với làn sóng tấn công của Taliban, mà không có sự hỗ trợ của lực lượng chiến đấu Mỹ và NATO.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki mới đây đề cập đến các vụ tấn công do Taliban thực hiện ở Afghanistan và cho rằng những hành động như thế sẽ không giúp Taliban giành được tính hợp pháp quốc tế. “Taliban muốn được quốc tế công nhận nhưng những hành động này sẽ không giúp họ đạt được điều đó. Họ không thể làm theo cách này. Họ có thể chọn cách đóng góp vào tiến trình hòa bình...”, bà Psaki nói. Đại sứ quán Mỹ cũng đã yêu cầu các công dân Mỹ còn ở lại Afghanistan nhanh chóng rời khỏi quốc gia Nam Á này. Sau 20 năm, bạo lực vẫn xảy ra ở Afghanistan, thế nên một nền hòa bình cho người dân nơi đây vẫn là điều xa vời.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.