Hoãn tiêm liều vắc-xin thứ ba: Bài toán khó cho WHO

.

Lời kêu gọi của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc hoãn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi thứ ba (mũi tăng cường) trong ít nhất 2 tháng tới đang gây nhiều tranh cãi.

Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thị trấn Wilkesboro, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: AP
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thị trấn Wilkesboro, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: AP

Bất chấp kêu gọi của WHO, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm hoặc có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm mũi vắc-xin thứ ba trong lúc có những lo ngại về hiệu quả miễn dịch của vắc-xin đối với biến thể Delta siêu lây nhiễm.

Israel đi đầu trong việc tiêm mũi thứ ba

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 5-8 cho biết, nước này đang “phụng sự thế giới” khi tiêm mũi vắc-xin thứ cho người dân. “Israel đang đi trước với sự đóng góp đáng kể cho sự hiểu biết toàn cầu. Nếu không có chúng tôi, thế giới sẽ không biết hiệu quả chính xác của mũi tiêm tăng cường; không rõ thời gian, sự ảnh hưởng của chúng tới nguy cơ lây nhiễm và khi bệnh trở nặng”, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhấn mạnh.

Số liệu của Bộ Y tế Israel về tiêm chủng từ tháng 12-2020 đến tháng 7-2021 cho thấy khả năng miễn dịch giảm từ 90% trong những tháng đầu xuống còn 40% vào cuối tháng 6-2021, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của biến thể Delta. Đó là lý do để Israel nhanh chóng triển khai tiêm mũi thứ ba. Thủ tướng Bennett cũng nói rằng, dân số tương đối nhỏ của Israel (9,3 triệu người) sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới nguồn vắc-xin toàn cầu và kiến thức tích lũy khi tiêm mũi vắc-xin thứ ba sẽ được nước này chia sẻ với thế giới.

Israel có tổng cộng hơn 891.000 ca nhiễm và 6.500 ca tử vong do Covid-19, theo trang thống kê worldometers. Trong 10 ngày gần đây, Israel ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Gần 60% dân số Israel đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, hầu hết là vắc-xin Pfizer/BioNTech và 250.000 người đủ điều kiện đã được tiêm mũi thứ ba.

Báo Telegraph cho hay, sau động thái của Israel, Pháp, Đức và Anh có kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào tháng 9 tới cho những người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương. Bộ Y tế Đức nêu rõ: “Chúng tôi muốn cung cấp cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Đức tiêm mũi vắc-xin thứ ba, đồng thời hỗ trợ việc tiêm chủng cho càng nhiều người trên thế giới càng tốt”.

Trong khi đó, tại Anh, chương trình tiêm mũi vắc-xin thứ ba sẽ bắt đầu sau ngày 6-9, mỗi tuần tiêm cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch. Đến nay, hơn 85 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được sử dụng tại Anh, hơn 72,5% người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi và 88,6% đã tiêm 1 mũi. Hơn 68% số người từ 18-29 tuổi cũng đã tiêm 1 mũi. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 9, tất cả những người trưởng thành ở Anh sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

WHO muốn đạt mục tiêu tiêm cho 10% dân số thế giới

Tại Mỹ, tuy chính phủ của Tổng thống Joe Biden chưa công bố kế hoạch tiêm mũi vắc-xin tăng cường, nhưng Nhà Trắng bác bỏ lời kêu gọi của WHO. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng, lời kêu gọi của WHO là “sự lựa chọn sai lầm”; đồng thời khẳng định Mỹ có thể vừa bảo đảm tiêm vắc-xin tăng cường cho người dân, vừa hỗ trợ các nước khác.

WHO đã kêu gọi các nước hoãn tiêm liều vắc-xin tăng cường đến ít nhất cuối tháng 9 nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin toàn cầu. Cơ quan y tế toàn cầu này lý giải, khoa học chưa chứng minh được việc tiêm mũi tăng cường có ngăn chặn Covid-19 hiệu quả không, nếu có thì ai cần tiêm liều bổ sung và tiêm vào thời điểm nào.

Tính đến nay, ít nhất 4,27 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu. Hơn 80% trong số đó được tiêm ở các nước có thu nhập cao và trên trung bình, mặc dù các nước này chiếm chưa đầy 50% dân số toàn cầu. Trong khi đó, chỉ hơn 2% người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. WHO đặt ra mục tiêu tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho 10% dân số thế giới vào tháng 9; 40% vào tháng 12 và 70% vào giữa năm 2022. Việc hoãn tiêm vắc-xin mũi tăng cường là để dành lượng vắc-xin thúc đẩy đạt mục tiêu này.

186,2 triệu
là số liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối đến 138 quốc gia/vùng lãnh thổ thông qua cơ chế COVAX - chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác khởi xướng. Mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỷ liều cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.

(Theo Reuters)

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.