Mỹ và châu Âu lo ngại chứng nhận tiêm vắc-xin giả

.

Trong bối cảnh nhiều cơ quan, công sở tại Mỹ và châu Âu yêu cầu người lao động phải có giấy/thẻ chứng nhận đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mới được trở lại chỗ làm, dịch vụ rao bán loại xác nhận này nở rộ trên mạng Internet.

Một người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Johnson and Johnson tại Chinatown, Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Reuters
Một người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Johnson and Johnson tại Chinatown, Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Reuters

Ở nhiều khu vực tại Mỹ và châu Âu, chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là điều kiện bắt buộc khi mọi người muốn đi ăn tối trong các nhà hàng, tới bảo tàng hay tham dự các sự kiện thể thao lớn. Việc mở rộng quy mô áp dụng điều kiện này làm phát sinh thị trường “chợ đen” đáng lo ngại: giấy/thẻ chứng nhận giả cho những ai chưa tiêm.

Không chỉ bán online

Theo thông tin từ các nhà điều tra chính phủ và giới chuyên gia an ninh mạng, những tổ chức buôn bán giấy/thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin giả ồ ạt xuất hiện trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin như Telegram hay trên mạng web đen. “Trong lúc một bộ phận dân cư tìm cách né tránh những quy định mới, mạng web đen đã phản ứng với thị trường thực tế này”, nhà nghiên cứu Dmitry Galov tại hãng bảo mật mạng Kaspersky nhận xét. Ông Galov đã theo dõi hoạt động buôn bán giấy/thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 giả từ tháng 3 năm nay.

Tại Mỹ, các thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin mạo danh Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cấp được chào bán trên nhiều sàn thương mại điện tử như Amazon, eBay và Etsy. Tháng 5 năm nay, nhà chức trách bắt một chủ bar tại California vì tội bán thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin giả với giá 20 USD/chiếc. Nghi phạm bị buộc tội ăn cắp danh tính, làm giả tài liệu chính phủ và làm giả hồ sơ y tế. “Mặc dù chưa có những số liệu xác quyết, nhưng chúng tôi thấy thời gian qua ngày càng có nhiều hơn những dạng gian lận kiểu này”, một người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ nói với báo Wall Street Journal.

Việc mua bán giấy/thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin không chỉ diễn ra trên mạng. Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ bắt một nữ bác sĩ có giấy phép hành nghề tại California bán thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin giả do CDC Mỹ cấp, trên đó xác nhận người bệnh của bác sĩ này đã tiêm vắc-xin Moderna. Đáng ngại hơn khi bác sĩ này còn cấp cho người bệnh các thẻ chứng nhận bỏ trống và hướng dẫn cách tự điền thông tin vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna với số lô cụ thể.

Tại Mỹ, việc thiếu một loại thẻ chứng nhận thống nhất được số hóa của liên bang khiến những kẻ lừa đảo dễ hoạt động hơn. Chưa kể, những tấm thẻ trắng kích thước nhỏ của CDC Mỹ cấp cũng bị các chuyên gia bảo mật đánh giá là dễ bị làm giả.

Liên minh châu Âu (EU) có chung một hình thức chứng nhận số hóa tình trạng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bằng mã QR cho mỗi người. Dù 27 quốc gia thành viên EU sử dụng các loại thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin khác nhau, nhưng họ dùng chung một công nghệ và có sự đồng thuận về cách thức sử dụng loại chứng nhận vắc-xin này.

Chủ yếu thanh toán điện tử

Tại Ý, theo cảnh sát Ivano Gabrielli phụ trách các cuộc điều tra về tình trạng gian lận online, nhà chức trách đã xác định khoảng 30 tài khoản chuyên bán giấy chứng nhận vắc-xin giả và đã bán được khoảng 500 giấy này trong vài tháng qua. Ông Gabrielli cho biết, ứng dụng nhắn tin Telegram hiện là nền tảng chính mà nhóm tội phạm loại này sử dụng. “Những kẻ bán hàng cố gắng quảng cáo bằng cách đăng những thông tin mập mờ trên các nền tảng mạng xã hội quen thuộc, nhưng mục đích của chúng là lái người dùng chuyển sang nền tảng nhắn tin được mã hóa (như Telegram)”, ông Gabrielli nói thêm.

Bất kể việc người phát ngôn của ứng dụng Telegram khẳng định công ty này đã xóa sổ những tài khoản bán giấy chứng nhận tiêm vắc-xin giả, nhưng cứ đóng cái này thì cái khác lại mọc ra. Chẳng hạn, một tài khoản tiếng Ý trên Telegram đang chào bán phiên bản chứng nhận số tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 với giá 100 euro (118 USD) và phiên bản chứng nhận dạng in là 120 euro. Thậm chí, còn có “gói gia đình” cho người mua gồm 4 chứng nhận với giá 300 euro dạng số và 350 euro dạng in. Người mua có thể thanh toán bằng tiền điện tử như bitcoin và trong một số trường hợp có thể trả qua Paypal hoặc thanh toán bằng thẻ mua hàng trên Amazon.

Mới đây, Pháp đã khởi tố 6 người liên quan tới việc làm giả và bán các thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tới giữa tháng 7 năm nay, cảnh sát Pháp xác định được 400 người đã mua thẻ xác nhận tiêm vắc-xin giả và con số thực tế có thể nhiều gấp 3 lần.

Việc làm giả và mua giấy tờ giả, dù bất cứ loại nào, trong đó có giấy/thẻ chứng nhận tiêm vắc-xin, tại Pháp hiện nay cũng đối mặt với mức phạt lên tới 45.000 euro và 3 năm tù. Trong những ngày tới, Pháp dự kiến phê chuẩn luật mới bổ sung thêm các mức phạt cụ thể liên quan tới việc xuất trình các tài liệu có sử dụng kết quả xét nghiệm giả hoặc thông tin sai về tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo Wall Street Journal, CDC Mỹ)

;
;
.
.
.
.
.