Pakistan và Iran là hai trong số nhiều nước dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng người tị nạn. Nhưng châu Âu cũng bắt đầu quan ngại về diễn biến ở Afghanistan.
Các tay súng Taliban tại thành phố Ghazni, Afghanistan, ngày 12-8-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan và việc Taliban lên nắm quyền tại Kabul khiến nhiều nước lo ngại bất ổn từ quốc gia Nam Á này sẽ lan sang các nước láng giềng, tiềm ẩn nguy cơ thúc đẩy dòng người tị nạn đổ sang châu Âu.
Pakistan e ngại viễn cảnh dòng người tị nạn từ Afghanistan sẽ tìm cách vượt biên giới chạy sang Pakisan trong bối cảnh nước này đã phải tiếp nhận 3 triệu người tị nạn Afghanistan trong suốt những năm tháng xung đột bạo lực vừa qua. Ngoại trưởng Pakistan ngày 15-8 nhấn mạnh tình hình tại Afghanistan đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải can dự liên tục với giới lãnh đạo Kabul để duy trì một Afghanistan hòa bình và ổn định.
Iran cùng ngày nói rằng sẽ cho phép người Afghanistan tị nạn tạm thời ở khu vực biên giới, nhưng cũng nêu rõ ý định sẽ hoàn trả số người này về nước một khi Afghanistan dần đi vào ổn định. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Iran Hossein Ghassemi cho biết Tehran đã dự liệu kế hoạch tiếp nhận, quản lý dòng người tị nạn từ Afghanistan trong thời hạn hai tháng.
Đi về phía tây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bày tỏ quan ngại về dòng người tị nạn từ Afghanistan tràn sang. Tổng thống Recip Tayyip Erdogan ngày 15/8 phát biểu Thổ Nhĩ Kỳ đang đối diện với làn sóng người nhập cư Afghanistan qua ngả Iran. Chính quyền Tehran cũng đã tăng cường các biện pháp bảo vệ trên tuyến biên giới.
Từ châu Âu, Ngoại trưởng Áo lexander Schallenberg cảnh báo bất ổn ở Afghanistan có thể sẽ sớm lan sang châu Âu. Theo ông, châu Âu sẽ sớm cảm nhận được hệ quả xung đột và bất ổn tại Afghanistan và Áo sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng.
Máy bay quân sự Mỹ bay trên Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul ngày 15-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh này đang tham gia nỗ lực bảo đảm an ninh, giữ sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul ở thế mở để thúc đẩy và điều phối hoạt động di tản công dân và sẽ tiếp tục duy trì hiện diện ngoại giao ở Afghanistan.
Chính quyền các nước châu Âu về cơ bản đang tập trung nỗ lực cho chiến dịch sơ tán nhân viên ngoại giao cũng như công dân Afghanistan từng làm việc, hợp tác với phái bộ ngoại giao của nước mình - số lo sợ sẽ bị Taliban trả thù sau khi lực lượng này lên nắm quyền điều hành ở Kabul.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh Berlin đang nỗ lực cao nhất cho hoạt động sơ tán công dân trong một tỉnh cảnh rất khó đoán định như hiện nay. Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer thông báo máy bay quân sự của Đức đã thực hiện các chuyến bay tới Kabul trong ngày 15-8 để đưa công dân Đức về nước. Giới lãnh đạo tại Berlin cũng đã thảo luận đến kịch bản dòng người tị nạn từ Afghanistan, nhất là số nhân viên dân sự từng cộng tác với quân đội Đức đóng ở Afghanistan, như đội ngũ thông dịch viên bản địa.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định nước này đã điều hai máy bay uân sự để sơ tán nhân viên ngoại giao từ phái bộ ở Kabul sang Các Tiểu vương Quốc A-rập thống nhất (UAE).
Từ Moskva, đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga, ông Zamir Kabulov, ngày 16-8 thông báo Nga sẽ sơ tán một phần trong tổng số 100 nhân viên ngoại giao tại Đại sự quán ở Kabul. Ông cũng khẳng định Đại sứ Nga tại Afghanistan sẽ có cuộc tiếp xúc với đại diện điều phối an ninh của Taliban trong ngày 17-8 để thảo luận về tình hình ở Afghanistan.
Trước đó, phát biểu trước báo giới ngày 13-8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva ủng hộ giải pháp chính trị ở Afghanistan dựa trên các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông lấy làm tiếc trước việc phong trào Taliban tìm cách giải quyết cục diện hiện nay ở Afghanistan bằng vũ lực.
Theo Báo Tin tức