Không đơn giản chỉ là việc hủy bỏ hợp đồng giữa Pháp và Úc, mối quan hệ giữa các quốc gia đối tác, đồng minh hai bờ Đại Tây Dương đang có những rạn nứt đáng kể sau khi thỏa thuận AUKUS được công bố.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở Anh vào tháng 6-2021. Ảnh: AFP |
Bản thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ, Anh và Úc (viết tắt là AUKUS) bị Pháp mô tả là một “cú đâm sau lưng”. Paris lên án các đồng minh lâu năm nhất của họ đã có hành vi “gian dối” và “hai mặt”, thậm chí cảnh báo những nền tảng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bị lung lay vì hành xử đó.
Pháp gửi hóa đơn “tính sổ”
Trong diễn biến mới nhất, theo AFP, Tập đoàn Naval (Naval Group) của Pháp thông báo sẽ gửi hóa đơn đòi phía Úc bồi thường sau khi Canberra hủy ngang hợp đồng đóng 12 tàu ngầm chạy bằng điện - diesel để chuyển sang tàu ngầm hạt nhân.
“Úc đã chấm dứt hợp đồng vì lợi ích của họ, điều này nghĩa là chúng tôi không có lỗi”, ông Eric Pommellet - Giám đốc điều hành (CEO) Naval Group trả lời báo Le Figaro (Pháp). “Đây là vấn đề đã được trù liệu trong hợp đồng và cần phải thanh toán những chi phí mà chúng tôi đã bỏ ra và cả những chi phí sẽ phát sinh liên quan tới việc hủy bỏ cơ sở hạ tầng (cho việc đóng tàu - PV), công nghệ cũng như bố trí lại nhân sự. Chúng tôi sẽ đòi hỏi các quyền lợi của mình”, ông nói tiếp.
Năm 2016, Úc ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm chạy bằng điện - diesel do Naval Group đóng. Hợp đồng này được định giá ban đầu là 36,4 tỷ USD, sau đó định giá lại là 60 tỷ USD. Tuy nhiên, Úc đã hủy bỏ hợp đồng sau khi ký thỏa thuận tăng cường hợp tác 3 bên với Mỹ và Anh, trong đó có việc chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân, nghĩa là Pháp mất thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Úc.
Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Naval Group đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận tài chính giải quyết sau quyết định hủy hợp đồng của Canberra. Naval Group đã hoàn thành khối lượng việc trị giá 900 triệu euro (1,1 tỷ USD) với các tàu ngầm trong thỏa thuận, nhưng tập đoàn này không bị thiệt hại gì vì phần đó đã được phía Úc chi trả. Dù vậy, Bộ Quốc phòng Pháp gọi động thái của Úc là “sự phản bội”. Do đó, các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ xác định quy mô “những bồi thường và tổn thất” do phía Úc gây ra cho Pháp.
Theo đài ABC (Úc), Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng, ông đã cố gắng liên hệ điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều giờ trước khi công bố thỏa thuận AUKUS. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Pháp cáo buộc phía Úc gian dối khi vào đúng ngày nước này hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm của họ, các quan chức ngoại giao của Canberra vẫn còn gửi thư cho đối tác ở Paris để nói rằng họ “hài lòng” với tiến độ thực hiện hợp đồng tàu ngầm giữa hai bên.
Mỹ nỗ lực hàn gắn
Ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có những động thái đầu tiên để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm khoảng 30 phút lần đầu tiên kể từ sau khi liên minh AUKUS được thiết lập.
Theo báo New York Times, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp đã nhất trí sẽ gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10, gần như chắc chắn là cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ý. Đội ngũ giúp việc cho Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng cho biết, cũng có thể ông Biden và ông Macron sẽ gặp nhau riêng để khẳng định sự quan tâm hàn gắn quan hệ giữa hai nước đồng minh.
Hãng tin Reuters cho hay, sau cuộc điện đàm ngày 22-9 của hai nhà lãnh đạo, Pháp đồng ý đưa đại sứ trở lại Washington, còn Nhà Trắng cũng thừa nhận sai sót trong việc không tham vấn Paris về việc đàm phán với Úc để hình thành thỏa thuận AUKUS. Trong tuyên bố chung phát đi sau điện đàm, lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ nối lại các hoạt động tham vấn chiều sâu để gây dựng lại lòng tin.
Cũng trong ngày 22-9, Thủ tướng Úc Scott Morrison, lúc này đang ở Mỹ, cho biết ông đã cố gắng thu xếp một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhưng tới nay vẫn chưa xong. Ông Morrison khẳng định sẽ kiên nhẫn trong việc tạo dựng lại quan hệ với Pháp.
TRẦN ĐẮC LUÂN