Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 76 với chủ đề “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ” diễn ra từ ngày 21-9. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu, thu hút sự quan tâm, tham dự trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hơn 100 nước trên thế giới để cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp, đề xuất hành động đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được quan tâm nhất hiện nay như: ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19; phục hồi và phát triển bền vững; những điểm nóng ở các khu vực; các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...
Ở góc độ khác, các nhà quan sát đặc biệt chú ý hàng loạt sự kiện diễn ra bên lề kỳ họp khi nó tác động trực tiếp đến nhiều quốc gia, nhiều khu vực, nhiều điểm nóng trên thế giới hiện nay.
Ngay khi đến New York ngày 21-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc họp riêng với Tổng Thư ký LHQ Antonia Guterres, qua đó tái khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và LHQ; thảo luận về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và việc bảo vệ nền dân chủ cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, được LHQ bảo vệ, là yếu tố then chốt để giải quyết những thách thức lớn nhất hiện nay.
Ngoại trưởng Anh Lis Truss ngày 20-9 có cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Anh và Mỹ, cũng như những tham vọng chung trong việc xây dựng một liên minh kinh tế và an ninh mạnh mẽ hơn giữa hai nước.
Bà Truss và ông Blinken nhất trí rằng, Anh và Mỹ có chung mối quan tâm trên nhiều lĩnh vực bao gồm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và an ninh tại khu vực này, cũng như nhu cầu tái thiết tốt hơn sau đại dịch Covid-19. Hai ngoại trưởng đã thảo luận về việc sáng kiến tái thiết thế giới tốt đẹp hơn để cung cấp cho các nước đang phát triển nguồn đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng bền vững.
Liên quan thỏa thuận liên minh 3 bên Mỹ - Anh - Úc (AUKUS), Ngoại trưởng của các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về tác động và hệ quả của thỏa thuận này vào tối 20-9 ở New York.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng bắt đầu một loạt hoạt động ngoại giao tất bật và có các cuộc gặp bên lề với lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Morrison hôm 21-9,
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, Washington không có đồng minh nào thân thiết và đáng tin cậy hơn Úc. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh với Mỹ để mang lại lợi ích cho hai quốc gia, cũng như ứng phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và nền kinh tế năng lượng mới.
Tổng thống Biden cho biết, Mỹ và Úc đều cam kết xây dựng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông Biden và ông Morrison sẽ tham dự phiên họp trực tiếp đầu tiên của nhóm “Bộ Tứ kim cương” (QUAD) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ vào ngày 24-9 tại Nhà Trắng. “Đây là cuộc gặp lịch sử mà tôi nghĩ chúng ta đều mong chờ. Mỹ và Úc đang nỗ lực hết mình”, ông Biden nói.
Cuộc gặp tế nhị nhất đối với ông Morrison là với đồng nhiệm Thụy Điển và Chủ tịch EU Ursula van Der Leyen, người đã tố cáo cách xử sự “không thể chấp nhận được” của Úc đối với Pháp trong thương vụ tàu ngầm. EU yêu cầu Úc có lời xin lỗi sau khi hủy thỏa thuận mua tàu ngầm từ Pháp. Thương vụ tàu ngầm đổ bể cũng có thể làm trì hoãn thỏa thuận thương mại tự do giữa Úc và EU.
“Một trong những nước thành viên của chúng tôi đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được, chúng tôi muốn được biết chuyện gì đã xảy ra và tại sao lại như thế. Úc trước hết phải làm rõ việc này rồi mới có thể tiến hành công chuyện như bình thường”, bà Ursula von der Leyen trả lời phỏng vấn CNN.
Có thể nói, sau một năm không họp trực tiếp do đại dịch Covid-19, kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76, với sự có mặt nhiều nhà lãnh đạo các nước đã gia tăng sức nóng trên nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực và cả song phương… không chỉ bên trong hội trường LHQ, mà còn “dậy sóng” bởi các cuộc gặp bên lề được dư luận hết sức quan tâm.
TUYẾT MINH