Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, châu Âu là khu vực duy nhất gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trong tuần qua. Lệnh phong tỏa đang quay trở lại Đông Âu, nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thấp.
Người dân trình giấy chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để vào trung tâm mua sắm ở thủ đô Riga của Latvia ngày 11-10. Ảnh: THX/ Getty Images |
Theo hãng tin ABC, WHO ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc mới trên khắp châu Âu trong tuần từ ngày 11-10 đến 17-10, tăng 7% so với tuần trước đó. Hơn 1/2 các quốc gia ở “lục địa già” thông báo số ca nhiễm gia tăng; trong đó Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có số ca nhiễm mới cao nhất. TS. Mike Ryan, Giám đốc chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho rằng, nguyên nhân do mùa đông đang tới và các hoạt động đi lại, giải trí, làm việc không bị hạn chế.
Trong tuyên bố ngày 20-10, Văn phòng WHO ở châu Âu cho biết, “lục địa già” đã sử dụng 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời nhận định việc tiếp nhận vắc-xin không đồng đều là “kẻ thù lớn nhất ở khu vực trong cuộc chiến chống Covid-19”. Tại Nga, theo hãng thông tấn TASS, chỉ 1/3 trong tổng dân số hơn 144 triệu người được tiêm chủng đầy đủ, trong khi nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc mới và số ca tử vong do Covid-19, với hơn 36.300 ca mắc mới và 1.000 ca tử vong ngày 21-10. Đáng lo ngại là biến thể AY.4.2 - biến thể phụ được cho là lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta - đã xuất hiện ở Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn cho người lao động trên cả nước nghỉ một tuần và được trả lương từ ngày 30-10 đến 7-11 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Theo đó, các cơ quan, công sở sẽ đóng cửa trong quãng thời gian này. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho hay, thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28-10.
Trong khi đó, Latvia là quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) quay trở lại tình trạng đóng cửa nền kinh tế từ ngày 21-10 đến 15-11 do số ca nhiễm tăng cao. Quốc gia vùng Baltic này đóng cửa các bar, cửa hàng, ban hành luật giới nghiêm ban đêm (từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau) và học sinh cũng trở lại học trực tuyến.
Latvia từng được coi là một trong số ít những câu chuyện thành công về chống Covid-19 của châu Âu, với ít hơn 3.000 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, số ca nhiễm đang tăng đột biến được cho là do việc tiêm chủng chậm chạp và không đồng đều. Theo AFP, Latvia hiện có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ghi nhận trong 14 ngày gần nhất là 1.406 ca/100.000 dân. Chỉ khoảng 57% trong số 1,9 triệu dân Latvia được tiêm phòng đầy đủ, thấp thứ tư tại EU (sau Bulgaria, Romania và Croatia).
Ở Romania, Tổng thống Klaus Iohannis ngày 20-10 tuyên bố đóng cửa trường học trong 2 tuần, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm đối với những người chưa tiêm vắc-xin. Còn Bulgaria hạn chế khách có thể đến nhà hàng, các khu mua sắm và phòng trưng bày. Một số trường học sẽ phải đóng cửa. Chỉ 1/5 dân số Bulgaria đã tiêm vắc-xin.
Các chuyên gia của WHO cho rằng, trước nguy cơ “mùa đông đen tối” và “đại dịch kép” khi Covid-19 và bệnh cúm đồng thời bùng phát trong những tháng cuối năm, các chính phủ châu Âu cần có những giải pháp để ngăn chặn kịch bản xấu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn kêu gọi các nước giàu có nên cân nhắc tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều.
Tại Anh, giới chức y tế ghi nhận hơn 52.000 ca nhiễm mới vào ngày 21-10. Đây là lần đầu tiên kể từ hơn 3 tháng qua số ca mắc Covid-19 trong ngày tại đất nước này vượt qua cột mốc 50.000 ca. Các chuyên gia cho rằng, Anh sẽ phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới mặc dù đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin cho gần 70% dân số. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ không tái lập việc phong tỏa đất nước sau 3 lần phong tỏa kể từ đầu năm 2020. |
BÌNH YÊN