Các nước tiếp tục tìm kiếm vắc-xin Covid-19

.

Mỹ dự kiến chi hàng tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất vắc-xin ở trong nước nhằm sản xuất ít nhất 1 tỷ liều mỗi năm để ứng phó với Covid-19 và các dịch bệnh khác. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ cung cấp 5 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho thế giới vào năm 2022.

Hơn 78,5% dân số Hàn Quốc đã được tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters
Hơn 78,5% dân số Hàn Quốc đã được tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters

Báo New York Times cho biết, chính phủ Mỹ muốn tận dụng kinh nghiệm và nguồn có sẵn từ các công ty đã sử dụng công nghệ mRNA để sản xuất các loại vắc-xin khi hình thành cơ sở sản xuất vắc-xin ở trong nước. Mục tiêu là từ giữa năm 2022, Mỹ có thể sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vắc-xin mỗi năm để ứng phó với đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa về dịch bệnh khác trong tương lai. 

Kế hoạch dự phòng cần thiết

Ông David Kessler, người phụ trách phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 tại Nhà Trắng, dự báo kế hoạch nói trên có thể làm chính phủ Mỹ tiêu tốn hàng tỷ USD. Song, theo ông Kessler, đây là kế hoạch dự phòng cần thiết bởi nếu xuất hiện đại dịch hoặc một loại virus mới, Mỹ sẽ có thể sử dụng vắc-xin trong vòng 6-9 tháng kể từ khi xác định được mầm bệnh của đại dịch đó và có đủ vắc-xin cho tất cả người dân nước này. Ông Kessler cũng nói rằng, với kế hoạch này, Mỹ còn có thể hỗ trợ các quốc gia khác.

Phát biểu của ông Kessler được đưa ra khi Mỹ đã cung cấp 250 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đến 110 quốc gia/vùng lãnh thổ, “nhiều hơn mọi nước khác cộng lại”. 

Theo AP, từ mùa hè vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã muốn thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19. Khoảng 59% số người đủ điều kiện ở Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ, gần 16% đã được tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba). Tính đến ngày 19-11, Mỹ có tổng cộng 48,3 triệu ca nhiễm và 789.000 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất thế giới, theo trang thống kê wordometers.

Các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng, thế giới tiếp tục chứng kiến những đợt dịch mới bùng phát ngay cả tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta có tính lây nhiễm cao, lây lan cả ở những người đã tiêm chủng đầy đủ, dẫn đến những rủi ro cao cho người chưa tiêm chủng.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 18-11 cam kết nước này sẽ cung cấp 5 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho thế giới vào năm 2022. Ấn Độ đã xuất khẩu 65 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đến gần 100 quốc gia trong năm nay, và trong những tháng tới sẽ xuất khẩu nhiều hơn khi năng lực sản xuất vắc-xin của New Delhi tăng lên. Khoảng 10 ngày trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc giục Ấn Độ nối lại nguồn cung vắc-xin cho COVAX - cơ chế cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu.

Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Indonesia đang thúc đẩy việc xây dựng trung tâm sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Reuters, Indonesia muốn cạnh tranh với Ấn Độ và Hàn Quốc trong việc xây dựng các trung tâm, đầu mối đào tạo và chuyển giao kiến thức về vắc-xin ngừa Covid-19 ở châu Á - Thái Bình Dương. Indonesia cũng dự kiến thử nghiệm lâm sàng, qua đó xác định mức độ hiệu quả của vắc-xin Sinovac ở mũi thứ ba nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể trước làn sóng mới của Covid-19.

Kỳ vọng vắc-xin thế hệ thứ hai

Hãng tin AFP cho hay, Bahrain là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn sử dụng thuốc Evusheld dạng tiêm điều trị Covid-19 của hãng AstraZeneca. Theo đó, thuốc Evusheld được dùng cho những người không đáp ứng vắc-xin, người trưởng thành không có khả năng miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch, những người đang làm việc tại nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết, thuốc Evusheld cho hiệu quả bảo vệ lên đến 83% trong 6 tháng.

Việc sản xuất vắc-xin thế hệ thứ hai (các loại vắc-xin đơn giản, dễ sử dụng hơn và có thể đạt hiệu quả hơn) đang được các nhà khoa học ở nhiều nước hướng đến. Hồi đầu tháng 11, thuốc kháng virus molnupiravir của hãng dược Merck (Mỹ) trở thành thuốc điều trị Covid-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới và Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc Covid-19 vừa và nặng.

Trong khi đó, thuốc kháng virus dạng viên có tên Paxlovid của hãng dược Pfizer giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Cả hai loại thuốc này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Mới đây, vắc-xin ngừa Covid-19 dạng hít do Trung Quốc sản xuất đã ra mắt công chúng tại một hội chợ triển lãm ở tỉnh Hải Nam của nước này. Mexico cũng đang gấp rút phát triển một loại vắc-xin nội địa dạng xịt và hy vọng sẽ được WHO thông qua sử dụng khẩn cấp vào cuối năm nay.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.