Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 323.690 trường hợp mắc Covid-19 và 4.806 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu xấp xỉ 251 triệu ca, trong đó trên 5 triệu người không qua khỏi.
Các vận động viên tham gia giải marathon tại New York, Mỹ, ngày 7-11-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9-11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 250.998.604 ca, trong đó có 5.069.803 người tử vong.
Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày có xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới cả về số ca mắc mới (xấp xỉ 40.000 ca) và ca tử vong (1.190 ca).
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản ngày 8-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất, trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 227 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 8-11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với 47.336.577 ca mắc và 775.218 ca tử vong. Tuy nhiên, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đang dần được khôi phục. Sáng 7-11, giải chạy New York City Marathon lần thứ 50 - một trong những giải marathon lớn nhất thế giới, đã được tổ chức sau khi bị hủy bỏ vào năm ngoái vì dịch bệnh.
Khoảng 30.000 người đã đăng ký tham gia giải này. Cùng ngày, giải Los Angeles Marathon 2021 cũng đã trở lại, với sự tham gia của 13.000 người đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sau hai lần bị trì hoãn do dịch Covid-19. Tất cả những người tham gia sự kiện này đều phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch Covid-19 tại Mỹ có thể sẽ được đẩy lùi vào đầu tháng 1-2022 và bước sang giai đoạn mới, trở thành một căn bệnh đặc hữu. Đây là nhận định mà Tiến sĩ Scott Gottlieb, thành viên ban quản trị của hãng dược phẩm Pfizer, đưa ra cuối tuần qua trên CNBC.
Đầu tháng 1-2022 cũng là thời điểm thực hiện chỉ thị của Tổng thống Joe Biden về việc yêu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc với những người đến làm việc trực tiếp tại các cơ quan công sở và cơ sở sản xuất. Theo đó, tất cả công ty có ít nhất 100 nhân viên sẽ phải thực hiện các quy định mới về tiêm phòng Covid-19 của Cơ quan Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA).
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 18-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Nhật Bản từ ngày 8-11 bắt đầu cấp phép nhập cảnh cho các doanh nhân, du học sinh và thực tập sinh nước ngoài. Điều kiện để các đối tượng trên nhập cảnh là các tổ chức tiếp nhận, trong đó có doanh nghiệp và các trường đại học, phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng những người nhập cảnh tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận phải nộp đủ hồ sơ xin cấp phép, trong đó có bản cam kết và kế hoạch hoạt động của người nhập cảnh, lên các bộ, ngành liên quan của Chính phủ Nhật Bản.
Riêng đối với các doanh nhân nước ngoài, Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với các đối tượng này từ 10 ngày xuống còn 3 ngày với điều kiện họ đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19. Các loại vắc-xin được Nhật Bản cấp phép lưu hành là vắc-xin của Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Nhật Bản là điểm sáng nhất trong bức tranh tình hình dịch Covid-19 toàn cầu trong 24 giờ qua khi nước này lần đầu không có ca tử vong kể từ tháng 8-2020. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến số ca tử vong ở Nhật Bản giảm mạnh chủ yếu là nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm phòng Covid-19 và đưa vào sử dụng các loại thuốc điều trị, trong đó có hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế giới hạn.
Tuy nhiên, tại một số nước như Pháp và Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan, buộc nhà chức trách phải siết chặt các quy định phòng dịch. Theo đó, từ ngày 8-11, học sinh các trường tiểu học tại 40/101 tỉnh của Pháp - trong đó có các vùng phụ cận thủ đô Paris và thành phố Marseille ở miền Nam, sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp sau chưa đầy một tháng được dỡ bỏ quy định này. Học sinh khối trung học cơ sở vẫn bắt buộc phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang.
Phát biểu trên đài France Info, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang là "cần thiết". Theo quy định phòng dịch Covid-19 của Chính phủ Pháp, học sinh tiểu học sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp khi tỷ lệ lây nhiễm ở mức 50 ca-100.000 dân trong 5 ngày liên tiếp.
Trong khi đó, cùng ngày 8-11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã kêu gọi các cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ dưới 3 tuổi tăng cường các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong mùa Đông.
NHC cho rằng hầu hết trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do thường xuyên ở trong không gian kín vào mùa Đông. Do đó, các nhà trẻ trên toàn quốc cần siết chặt quản lý nhân viên, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, đảm bảo thông gió và vệ sinh đồng thời tăng cường theo dõi các bệnh truyền nhiễm khác như cúm.
Theo cơ quan trên, các sở y tế địa phương sẽ tiến hành thanh tra hoạt động của các nhà trẻ và những cơ sở không thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả sẽ phải đối mặt với các mức phạt và buộc phải chấn chỉnh lại hoạt động.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Sydney, Australia, ngày 11-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Tại Australia, ngày 8-11, Australia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech trong bối cảnh hàng triệu người dân tại Sydney - thành phố lớn nhất của nước này, dần trở lại cuộc sống bình thường khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao.
Australia đã đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân kể từ tháng 7 vừa qua, sau khi bỏ lỡ mục tiêu ban đầu, khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch Covid-19, do sự lây lan của biến thể Delta, tấn công khu vực Đông Nam nước này, khiến chính quyền địa phương phải áp đặt tình trạng phong tỏa kéo dài nhiều tháng.
Sydney và Melbourne - hai thành phố lớn nhất ở Australia, chịu ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng lây nhiễm thứ 3, đã tăng tốc tiêm chủng trước khi từng bước nới lỏng các quy định hạn chế.
Trong 24 giờ qua, Australia ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong, trong đó chủ yếu tại bang Victoria, với 1.126 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Trong khi đó, cùng ngày, bang láng giềng NSW ghi nhận thêm 187 ca nhiễm và 7 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày¬ 8-11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 22.582 ca mắc Covid-19 và 295 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch là trên 13.300.000 ca, trong đó trên 282.000 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến xu thế ca tử vong tăng trở lại. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch Covid-19 tại trường học ở Sittwe, bang Rakhine, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN |
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 200 ca bệnh mới và chỉ có 12 ca tử vong.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 8-11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 91 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với trên 4.500 trường hợp, trong khi có 58 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 999 ca bệnh và 18 ca tử vong. Tình hình Covid-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 8-11 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 39 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 68 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca Covid-19 mới.
Liệu có hay không mối liên quan giữa dịch Covid-19 và Hội chứng suy giảm trí nhớ Alzheimer? Nhiều nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhận định một số triệu chứng thần kinh ở những người từng mắc Covid-19 rất giống với các dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer: các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung và “sương mù não”. Mặc dù vậy, điều này vẫn đòi hỏi các nhà khoa học tiến hành thêm những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Tại hội nghị quốc tế của Hiệp hội Alzheimer diễn ra ở Denver (bang Colorado, Mỹ), một số báo cáo đã đề cập về mối liên hệ giữa dịch Covid-19 và chứng suy giảm nhận thức dai dẳng, bao gồm cả bệnh Alzheimer - căn bệnh mà những người trên 65 tuổi hay mắc. Ở giai đoạn đầu, căn bệnh này rất khó nhận biết, người bệnh thấy mình đãng trí, hay quên. Theo thời gian, trí nhớ dài hạn cũng bị ảnh hưởng, khả năng biểu đạt và suy nghĩ bị suy giảm.
Nghiên cứu được thực hiện ở Argentina đã tiến hành theo dõi trong vòng 6 tháng đối với 234 người trên 60 tuổi - những người đã khỏi Covid-19. Các bài kiểm tra được sử dụng để định lượng mức độ nhận thức, phản ứng cảm xúc và sự phối hợp vận động của họ. Các kết quả trên thang điểm của bệnh sa sút trí tuệ lâm sàng áp dụng trong khoa tâm thần được so sánh với nhóm đối chứng của cùng một người cao tuổi không mắc Covid-19.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hơn 60% những người tham gia nghiên cứu có vấn đề về tư duy, khoảng 1/3 gặp vấn đề đáng kể, trong khi ở nhóm đối chứng chỉ có 6% mắc phải chứng này. Các triệu chứng đặc trưng của giai đoạn đầu của chứng sa sút trí tuệ - ví dụ như tính hay quên, khó sắp xếp đồ vật và tìm từ - cũng được quan sát thấy ở những người từng bị mắc Covid-19 thể nhẹ.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã nhận thấy mối liên hệ giữa thời gian và mức độ nghiêm trọng của chứng suy giảm nhận thức và mất khứu giác - chứng anosmia. Điều này được giải thích là vì virus SARS-CoV-2 sử dụng khứu giác, nơi chứa các tế bào não phản ứng với mùi, để thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Bằng cách tấn công các tế bào này, virus phá hỏng các mạch thần kinh dẫn đến các trung tâm não. Vì vậy, các tác giả của công trình này cảnh báo rằng không nên lơ là các triệu chứng kéo dài sau khi khỏi Covid-19 như mất khứu giác.
Theo Báo Tin tức