Mỹ sẽ tăng cường các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh, củng cố cấu trúc xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Người dân giải nhiệt tránh nóng tại một hồ nước ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 1-11, Mỹ đã công bố chiến lược nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050, theo đó nước này sẽ cố gắng loại bỏ lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường và gây biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa đất nước theo đường hướng net-zero vào năm 2050 trong chiến dịch tranh cử và kể từ khi lên nắm quyền.
Báo cáo mới đưa ra một lộ trình chính sách cụ thể hơn để đạt được mục tiêu này, trong đó Cố vấn về vấn đề Khí hậu quốc gia Gina McCarthy cho biết Mỹ sẽ tăng cường các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh, củng cố cấu trúc xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, kế hoạch của Tổng thống Biden tập trung vào việc thúc đẩy quá trình tổng hợp điện năng từ các nguồn năng lượng sạch; thúc đẩy việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, các tòa nhà công sở, nhà máy sản xuất vận hành bằng điện sạch, cùng với đó là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng sạch và mở rộng quy mô sử dụng công nghệ hấp thu carbon dioxide từ khí quyển.
Báo cáo cũng chỉ ra các chính sách bổ sung hỗ trợ Mỹ đạt được mục tiêu đề ra như khuyến khích và đưa ra các tiêu chuẩn để giảm ô nhiễm nhà máy điện, sử dụng năng lượng hạt nhân và công nghệ thu phát thải khi nhiên liệu hóa thạch được đốt tại các nhà máy điện và đầu tư vào công nghệ pin lưu trữ năng lượng tái tạo.
Để đạt được các mục tiêu bổ sung này, báo cáo đề cập đến các giải pháp như tăng cường áp dụng các hoạt động sản xuất nông nghiệp “thông minh với khí hậu” và giải quyết vấn đề phát thải khí thông qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sản xuất dầu và khí đốt.
Chiến lược này được Mỹ đưa ra tại thời điểm đại diện của hơn 200 nước và vùng lãnh thổ đang tề tựu tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) - sự kiện được kỳ vọng sẽ có chuyển biến lớn từ những cam kết và hành động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Theo TTXVN/Vietnam+