Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc đơn thuần áp dụng quy định hạn chế đi lại không phải là giải pháp để đối phó với dịch bệnh, nhất là làn sóng mới do biến thể Omicron của SARS-CoV-2 gây ra, mà các nước cần củng cố năng lực của hệ thống y tế và đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho người dân.
Đức siết chặt các biện pháp kiểm soát Covid-19. TRONG ẢNH: Người dân phải mang khẩu trang khi đi lại trên đường phố ở Dortmund (Đức) ngày 1-12. Ảnh: AP |
Nhiều nước đang áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới đối với các quốc gia châu Phi được xác định đã xuất hiện biến thể Omicron hoặc có nguy cơ cao. Theo CNN, hiện khoảng 30 quốc gia/vùng lãnh thổ ở nhiều châu lục như châu Phi, châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và châu Âu ghi nhận sự xuất hiện của Omicron.
WHO cử các chuyên gia đến Nam Phi
WHO đã xếp Omicron vào danh sách “biến thể đáng quan ngại”. Các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để xác định mức độ nghiêm trọng và dễ lây lan của biến thể này. Bà Michelle Groome, nhà khoa học hàng đầu thuộc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi cho biết, nước này đang phải đối mặt với sự gia tăng chưa từng có trong thời gian ngắn do biến thể Omicron. Các ca nhiễm biến thể mới đã có mặt ở 7/9 tỉnh của đất nước. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla kêu gọi người dân tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ và khẳng định đây là sự bảo vệ tốt nhất trước biến thể Omicron. WHO cử một nhóm chuyên gia tới Gauteng - tỉnh có số ca nhiễm nhiều nhất Nam Phi để giúp tăng cường các biện pháp phòng ngừa và điều trị.
Theo Reuters, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù Úc cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ các nước miền nam châu Phi nhưng vẫn ghi nhận những ca nhiễm biến thể Omicron không có lịch sử di chuyển ra nước ngoài cũng như không tiếp xúc với người nào từng đi nước ngoài. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 3-12, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng, các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới. “Mọi người không nên chỉ phụ thuộc vào các biện pháp kiểm soát biên giới. Điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị ứng phó với những biến thể có khả năng lây lan cao như thế này”, ông Kasai nói.
Theo ông Kasai, hiện chưa cần phải thay đổi cách tiếp cận phòng, chống Covid-19. Các phương án và kinh nghiệm thu được trong việc kiểm soát tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta trong thời gian qua vẫn là nền tảng để ứng phó với làn sóng Omicron. Chính phủ các nước cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đầy đủ cho những nhóm công dân dễ bị tổn thương, đồng thời thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Omicron lan đến Đông Nam Á
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore và Malaysia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc Omicron. Các nước Lào, Thái Lan cũng tăng cường kiểm soát người nhập cảnh để ngăn ngừa biến chủng này.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có sự khác nhau giữa các quốc gia nhưng vấn đề đặt ra là tỷ lệ này rất thấp ở các nước nghèo hơn. Hãng tin Reuters cho biết, tại Indonesia - quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới và từng là tâm dịch ở châu Á, chỉ khoảng 35% dân số được tiêm vắc-xin đầy đủ. Myanmar mới tiêm chủng đầy đủ cho 20% dân số. Ngay cả tại Ấn Độ, theo báo New York Times, chỉ 32% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Báo Straitstimes cho hay, chỉ 10,4% dân số ở châu Phi đã được tiêm một mũi vắc-xin, 7,5% dân số được tiêm đầy đủ. Trong khi đó, 64% dân số ở Bắc Mỹ và 62% dân số châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. Tờ báo này cũng dẫn lời các nhà khoa học cảnh báo, số lượng lớn dân số chưa được tiêm chủng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho virus đột biến và phát triển, tạo ra một biến thể mới tương tự Omicron trong tương lai.
Giám đốc Y tế Úc Paul Kelly nói rằng, Omicron có khả năng trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu trong vòng vài tháng tới, đồng thời cho rằng chưa cần phải rút ngắn khoảng cách tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường vì chưa có bằng chứng cho thấy Omicron gây ra các biến chứng nặng.
Mỹ công bố kế hoạch ứng phó Covid-19
Tại Mỹ, AP cho biết, Tổng thống Joe Biden ngày 2-12 công bố kế hoạch ứng phó với Covid-19 vào mùa đông. Theo đó, ông Biden kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm chủng, mở rộng chiến dịch tiêm tăng cường toàn quốc cho tất cả người trưởng thành đủ điều kiện.
Từ đầu tuần tới, Mỹ yêu cầu khách du lịch quốc tế cần xuất trình bằng chứng xét nghiệm âm tính trong vòng một ngày trước khi khởi hành. Quy định bắt buộc sử dụng khẩu trang khi đi máy bay, tàu hỏa và xe buýt, cũng như trong nhà ga và trung tâm trung chuyển, được kéo dài đến giữa tháng 3-2022.
|
PHÚC NGUYÊN - THƯ LÊ